Tòa soạnThư đi – tin lại

Sinh viên thực tập quá lệ thuộc… giáo án

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sinh thực tập dạy giáo dục công dân tại trường phổ thông chưa thể hiện được khả năng sáng tạo, chủ yếu vẫn dựa vào giáo án… Ảnh: Một tiết học giáo dục công dân của học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú, TP.HCM). Ảnh: Dương Bình

Lúng túng, thiếu tự tin trong quá trình thực tập giảng dạy giáo dục công dân phần nhiều là do giáo sinh lệ thuộc quá vào giáo án.
Trong khi đó, thời lượng thực tập sư phạm ở trường phổ thông khá ngắn ngủi, giáo sinh chỉ kịp hình dung để… bắt chước hoặc làm theo chứ chưa thể hiện được hết khả năng.
Chưa được tiếp cận thực tế sớm
Nhiều nước trên thế giới rất coi trọng công tác thực tập nghề nghiệp trong đào tạo sư phạm. Ngay trong hai năm đầu, sinh viên không chỉ học lý thuyết trên lớp mà còn thực hành tại cơ sở. Ở nước ta, sinh viên sư phạm nói chung và ngành giáo dục chính trị nói riêng chưa có cơ hội để thâm nhập thực tế trước khi thực tập sư phạm. Đó là lý do khiến các em lúng túng khi bước vào thực tiễn. ThS. Lương Thị Lan Huệ (Trường ĐH Quảng Bình) nhìn nhận điều này khi nói về công tác tổ chức thực tập nghề nghiệp cho sinh viên.
ThS. Nguyễn Thị Hương (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) sau khi tham khảo chương trình đào tạo của một số trường có đào tạo sư phạm trong nước như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Sài Gòn cũng có đánh giá tương tự. Theo ThS. Hương, để có “sản phẩm” tốt, nên cho sinh viên sư phạm làm quen với công việc của nghề ngay từ những năm đầu. Tuy nhiên, qua tham khảo chương trình đào tạo các trường đã nhận thấy kế hoạch giảng dạy chương trình thực tập sư phạm hầu hết đều bố trí học phần lý luận và phương pháp dạy học bộ môn vào năm thứ 3. Thời điểm này chưa thực sự hợp lý do sinh viên cần sớm được làm quen với không khí trường phổ thông để dần từng bước tìm hiểu công tác giảng dạy, chủ nhiệm…
Cùng với nhiều hạn chế khác, hiệu quả thực tập của sinh viên ngành giáo dục chính trị hiện chưa được đánh giá cao. Thậm chí, theo ThS. Lan Huệ, đây còn là một thách thức đối với sinh viên. Vì thiếu kiến thức bao quát các lĩnh vực đạo đức, pháp luật, kinh tế, chủ nghĩa xã hội khoa học… nên sinh viên lệ thuộc nhiều vào giáo án; chỉ truyền đạt nội dung bài học một cách cơ bản, khái quát trong khi kiến thức giáo dục công dân đòi hỏi được phổ thông hóa, gần gũi với thực tiễn để học sinh dễ nhớ. Dễ thấy nhất, sinh viên do không tự tin với những ví dụ do bản thân sưu tập, đưa ra nên chủ yếu dựa vào các ví dụ có sẵn trong sách thiết kế bài giảng. Điều này làm cho cách thức truyền đạt đơn điệu, nghèo nàn, nhàm chán.
Xử lý tình huống sư phạm yếu
ThS. Lan Huệ chỉ ra thêm, thời gian dành cho thực hành của sinh viên quá ít, gói gọn trên lớp khiến các em chưa hình dung đúng về dạy học thực tế ở trường phổ thông. Trong khi đó, thời gian thực tập sư phạm ở trường phổ thông khá ngắn ngủi, các em chỉ kịp hình dung để… bắt chước hoặc làm theo chứ chưa đủ tự tin để sáng tạo, giảng dạy linh hoạt. Một số sinh viên khá, giỏi, nắm được kiến thức cơ bản của bộ môn nhưng chưa biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, đối tượng cụ thể.
Ý kiến khác cũng nhìn nhận, sinh viên giáo dục chính trị còn hạn chế trong xử lý các tình huống sư phạm. Nguyên do, trong suốt quá trình học ĐH, sinh viên ít có cơ hội tiếp cận các tình huống thực tế. Thậm chí các em chỉ giảng dạy và tham gia xử lý tình huống với học sinh… giả định. Từ thực tiễn đó, ThS. Lan Huệ đặt vấn đề tạo điều kiện cho sinh viên thâm nhập thực tế dạy học ở trường phổ thông ngay từ năm đầu cho đến năm cuối ĐH. Để được như vậy, trường ĐH cần thường xuyên hợp tác bền vững với các trường THPT.
Ý kiến khác cũng cho rằng, không nên giao khoán hoạt động đánh giá, xếp loại thực tập cho cơ sở thực tập, nhằm tránh tình trạng giáo viên hướng dẫn cho điểm sinh viên quá cao so với chất lượng thực tế. Việc tăng kinh phí cho cơ sở tiếp nhận giáo sinh thực tập sư phạm cũng được đề cập do có nhiều ý kiến bày tỏ, mức kinh phí dành cho các cơ sở này trong công tác thực tập hiện nay còn thấp và chưa thỏa đáng.
Ngoài ra, tăng cường tính tự học, tự nghiên cứu trong sinh viên ngành giáo dục chính trị cũng là điều được nhấn mạnh đối với chính sinh viên để các em nắm vững hệ thống kiến thức đa dạng về đạo đức, pháp luật, triết học, kinh tế chính trị… phục vụ tốt hoạt động giảng dạy.
M.Tâm

Bình luận (0)