Tòa soạnThư đi – tin lại

Dạy môn trí tuệ trong trường học: Sao phải lo?

Tạp Chí Giáo Dục

Đội tuyển Robotics Việt Nam đang thi đấu tại đấu trường quốc tế
Trong công văn gửi các sở GD-ĐT về chấn chỉnh học thêm, dạy thêm, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tiểu học “không tổ chức đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, sân chơi trí tuệ”. Ngày 7-11, bộ lại ra công văn điều chỉnh một số nội dung hướng dẫn học sinh tiểu học tham gia các hoạt động giao lưu, sân chơi trí tuệ.
Trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, học sinh rất hứng thú với môn học trí tuệ trong các trường.
Quán game ế ẩm
Là người dẫn đội Robotics của Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) sang Malaysia thi đấu ngày 30-11 vừa qua, thầy Nguyễn Tiến Long, giáo viên dạy vật lý của trường cho biết, năm nay là năm đầu tiên Trường Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc chơi này. Trường cũng nhận được thông tin muộn hơn so với những trường khác. Mãi đến tháng 9 học sinh của trường mới biết thông tin. Có 30 học sinh khối 6, 7 tự nguyện đăng ký tham gia. Những học sinh đã đăng ký tham gia đều rất thích. Thời gian tham gia cuộc thi vào cuối tháng 10 nên thầy và trò đều không có nhiều thời gian. Tuy chỉ học ngoài giờ (từ 16 giờ 30 đến 18 giờ) nhưng các học sinh đều hứng thú. 30 bạn được chia thành 10 đội, bạn nào cũng muốn đội của mình được đại diện cho trường để đi thi. Chính vì vậy, sau 20 buổi học, trường tổ chức thi để chọn ra đội thắng cuộc, nhiều bạn đã tiếc ngẩn ngơ vì mình không được vào. Thậm chí dù mới chỉ được học một hai buổi nhưng có phụ huynh đến trường nằng nặc đòi mua bộ lego lắp ráp vì thấy con em mình thích học quá. Thầy Long còn cho biết, trong kỳ thi quốc gia vừa qua tổ chức tại TP.HCM, có bạn còn được cả gia đình đi hộ tống. Đợt sang Malaysia vừa qua, bố mẹ không sang được thì cử bà nội đại diện sang cổ vũ. Thầy Long còn chia sẻ thêm, từ ngày có CLB Robotics, các quán game gần trường tự nhiên vắng khách, thầy cũng không còn thấy học sinh của mình lảng vảng quanh đấy nữa.
Cũng là người theo sát các CLB Robotics của trường, thầy Nguyễn Bá Tuấn, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết trường đã cho học sinh tham gia học Robotics từ 4 năm nay. Với hình thức hoạt động dưới dạng CLB, những học sinh tự nguyện tham gia sẽ được học vào sáng thứ bảy hàng tuần. Những học sinh đã lựa chọn học CLB Robotics đều rất say mê và hứng thú.
Thầy trò cùng đổi mới phương pháp học
Robotics hay các môn học trí tuệ khác đều là những môn học mới tại các trường học của Việt Nam. Chính vì vậy, không chỉ với học sinh mà ngay cả với các thầy cũng đều mới. Thầy Nguyễn Bá Tuấn cho biết môn học trí tuệ này rất tốt cho học sinh. Khi học, học sinh phải làm việc theo nhóm, tư duy theo nhóm để giúp học sinh đưa ra được quyết định nhanh nhất và đúng nhất. Học sinh nào có năng lực sẽ được thể hiện rõ ngay. Chia sẻ thêm về điều này, thầy Nguyễn Tiến Long cho biết mỗi đội có 3 học sinh, các em sẽ phải tự quy định ngầm ai lập trình, ai lắp ráp, ai cho chạy. Vì thế, học sinh phải phối hợp ăn ý thì mới đạt kết quả tốt. Vì khi thi, nếu code sai, lắp ráp sai thì bạn hiệu chỉnh robot sẽ phải báo lại để chỉnh sửa. Trong thời gian chỉnh sửa, 3 học sinh trong đội sẽ phải tương tác tốt với nhau. Theo thầy Long, khi đưa môn học này vào trường học, có một cái mới đó là học sinh vừa học vừa được thực hành luôn. Lập trình trên máy rồi đưa vào robot chạy thử, các em sẽ biết ngay kết quả làm việc của mình đạt hay không đạt. Rồi chính các thầy cũng bị cuốn vào theo sự say mê của học sinh. Các thầy cũng có được thêm nhiều kiến thức liên quan đến ngành khoa học mới mẻ này. Thậm chí, có kiến thức khi bị trò hỏi, thầy cũng bí phải gọi điện cầu cứu các chuyên gia. Trong 20 buổi đầu tiên học tại Trường Nguyễn Tất Thành, các giáo viên của trường cũng chưa thể đứng lớp mà chỉ làm công tác quản lý lớp, hỗ trợ kỹ thuật. Do đó, giáo viên cần phải được tập huấn thêm về môn học mới này.  Thầy Long khẳng định thêm, chúng ta đang làm đổi mới giáo dục. Có thể phải một thời gian nữa chúng ta mới bắt kịp thế giới. Vậy thì thay vì suốt ngày cứ phải chạy để mong đuổi kịp sao chúng ta không lĩnh hội luôn những cái họ cũng mới bắt đầu phát triển? Như thế, ta và họ cùng ở một điểm xuất phát.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Cuộc thi Robotics quốc tế dành cho trẻ em (DYA) 2014 đã chính thức diễn ra vào ngày 30-11-2014 tại Selangor, Malaysia. Sau 1 ngày thi đấu, với chủ đề “Quản lý rác thải đô thị” (tên tiếng Anh “Zero Waste”), đoàn Việt Nam đã giành 7 giải thưởng gồm 1 giải nhì hạng sơ cấp, 1 giải 3 hạng cao cấp, 3 giải Distinction và 2 giải Excellence. Trong đó, Hà Nội đã giành thắng lợi lớn, 8 đội đi thi thì có tới 5 đội đạt giải.
 

Bình luận (0)