Người khuyết tật tìm việc làm tại Ngày hội việc làm sáng 3-12 tại TP.HCM. Ảnh: Trần Anh
|
Ngày 3-12, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Lễ kỷ niệm sự kiện Việt Nam phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về quyền của người khuyết tật và hiện thực hóa quyền của người khuyết tật. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Việt Nam có 7 triệu người khuyết tật
Hiện nay, theo đánh giá của LHQ, ước tính có khoảng 10-15% dân số thế giới, tức khoảng 700 triệu cho đến 1 tỷ người là người khuyết tật. Trong đó 80% đang sống ở các nước phát triển. Người khuyết tật chiếm 20% số người nghèo nhất trên thế giới và rất khó khăn tiếp cận giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ trợ giúp xã hội khác. Việt Nam là một trong những nước có số người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật chiếm 7,8% dân số. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Việt Nam phê chuẩn công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật là một cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, việc phê chuẩn công ước đòi hỏi phải huy động sự tham gia của tất cả lực lượng xã hội nhằm thúc đẩy thực hiện công ước, bao gồm việc nội luật hóa các nội dung của công ước vào hệ thống pháp luật Việt Nam để tương thích giữa Luật Quốc gia và công ước; thúc đẩy các hoạt động triển khai hỗ trợ người khuyết tật; tăng cường theo dõi giám sát và đánh giá thực hiện chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người khuyết tật. Với tư cách là cơ quan quản lý trong lĩnh vực người khuyết tật, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, phân công trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các tổ chức để triển khai có hiệu quả công ước. Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ cùng chung tay để triển khai, thực hiện hiệu quả công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật nhằm bảo đảm thúc đẩy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực”.
Phó thủ tướng “cháy giáo án”
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Tôi sẽ không đọc lại bài phát biểu đã được chuẩn bị rất kỹ. Vì nói bao nhiêu cũng không đủ, nói thế nào cũng là thừa”. Phó thủ tướng bày tỏ cảm ơn các tổ chức, cá nhân trong nước, các tổ chức quốc tế bằng tấm lòng, tình yêu thương đã góp phần mang đến cho người khuyết tật những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Phó thủ tướng nhấn mạnh: Mỗi người đều có khiếm khuyết về thể chất và tinh thần, mỗi người đều có giá trị cao đẹp sâu thẳm trong tâm hồn cần được tôn trọng. Bất kể là ai cũng cần làm hết sức mình để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, đặc biệt là hiện thực hóa quyền của người khuyết tật. Phó thủ tướng khẳng định mong ước ngàn đời của dân tộc Việt Nam với bao hy sinh, vất vả là để cho đất nước độc lập, mọi người Việt Nam được tự do, mưu cầu và được hưởng hạnh phúc. Người khuyết tật luôn xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp. Chia sẻ cảm xúc của mình nhân Ngày quốc tế người khuyết tật, Phó thủ tướng xúc động nói: “Không ai là hoàn hảo nhưng mỗi người đều ẩn chứa những giá trị cao đẹp, sâu thẳm trong tâm hồn. Điều đó cần được tôn trọng. Ai cũng có lúc cảm thấy rất khó khăn, rất khó vượt lên. Vì vậy, ngoài ước mơ và niềm tin của chính mình, ta rất cần tình yêu thương của mọi người để vươn lên, làm cho cuộc sống của mình tốt hơn. Qua đó, đóng góp chung vào những điều tốt đẹp của cộng đồng”. Theo Phó thủ tướng, những ai không có hành động góp công sức của mình trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người khác, đặc biệt là người khuyết tật thì người đó có khiếm khuyết nghiêm trọng về mặt tinh thần.
Khó khăn nhất là điều chỉnh văn bản dưới luật
Chia sẻ về việc Việt Nam phê chuẩn công ước LHQ về quyền của người khuyết tật, bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam cho biết sau khi có công ước, thì những văn bản liên quan hướng dẫn về luật chắc chắn sẽ được bổ sung. Về cơ sở vật chất cho người khuyết tật, bà Mai khẳng định không thể có sự thay đổi ngay mà có sự điều chỉnh dần. Nơi nào cơ sở vật chất chưa tiếp cận được thì tìm cách bổ sung, nơi nào đã có thì từng bước khắc phục, nơi làm mới thì khi thiết kế bắt buộc phải có. Bà Mai cũng cho rằng khi chi ngân sách, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT hay Bộ GD-ĐT phải đặt ra một lộ trình để tiếp cận được và đảm bảo công ước đến được cơ sở. Đối với trẻ khuyết tật, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết ở Việt Nam, gần 70% trẻ khuyết tật được hòa nhập. Tuy nhiên, hiện nay cái khó là chúng ta chưa có chương trình đặc biệt. Cho nên Hội nghị ABDF kiến nghị nhóm giáo dục đứng ra xin một dự án để có chương trình giáo dục đặc biệt cho nhóm trẻ tự kỷ. Mặc dù học chung nhưng vẫn phải có giáo dục riêng như phương pháp nội dung để giáo viên có thể vận dụng riêng từng nhóm. Nói về khó khăn khi thực hiện công ước, bà Mai cho rằng khó khăn nhất là điều chỉnh văn bản dưới luật.
Nghiêm Huê
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Sáng 3-12, tại Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố đã diễn ra Ngày hội việc làm “Ưu tiên người khuyết tật” TP.HCM năm 2014. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật (3-12), do trung tâm này tổ chức. Theo ông Trần Văn Bổ, Giám đốc trung tâm, mục đích của ngày hội nhằm góp phần thực hiện thành công đề án “Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2014-2020 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 5-8-2012; Tạo cơ hội cho người lao động và người khuyết tật tiếp cận với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Ngày hội cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng được lao động, đặc biệt là lao động khuyết tật để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh.
Anh Nguyễn Văn Trường, người khuyết tật (ngụ P.Thạnh Xuân, Q.12) đến ngày hội với mục đích tìm một công việc phù hợp thể trạng để tự nuôi sống bản thân. “Bản thân người khuyết tật đi xin việc không dễ, nguyên nhân là khiếm khuyết về thể trạng. Ngày hội sẽ là chiếc cầu nối, tạo cơ hội cho nhà tuyển dụng và người lao động khuyết tật đến gần với nhau hơn”.
Với người khuyết tật, có được chứng chỉ nghề, bằng cấp trong tay nhưng tìm một việc làm không hề đơn giản. Mặc dù, trong nhiều năm qua, các cơ sở dạy nghề, trung tâm đào tạo… đã cố gắng đưa ra những chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, song con số ấy vẫn còn hạn chế. Đây cũng là băn khoăn, trăn trở của những người làm công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật. Anh Nguyễn Văn Hải (TP.HCM), tình nguyện viên, giáo viên bộ môn tin học từng tham gia nhiều khóa đào tạo dài và ngắn hạn thừa nhận: Học viên khuyết tật chịu khó học tập, kết quả không thua kém người bình thường nhưng thực tế cơ hội việc làm đến với họ còn nhiều hạn chế.
Qua ngày hội việc làm “Ưu tiên người khuyết tật” TP.HCM năm 2014, có khoảng 500 lao động được việc làm ổn định, với mức lương từ 2,5 triệu đồng trở lên thật sự là một tín hiệu vui trong giải quyết việc làm cho người khuyết tật.
Trần Anh
|
Bình luận (0)