Tòa soạnThư đi – tin lại

Lối đi riêng trong mùa tuyển sinh “ngặt nghèo”

Tạp Chí Giáo Dục

30 học viên Khoa Y dược Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn được chọn đào tạo theo chương trình liên kết với Viện Goethe (Đức) trong một tiết thực hành tại trường.
Trong khi các trường TCCN, CĐ nghề, CĐ (nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp) kêu khó tuyển sinh, trang thiết bị “trùm mền”, thậm chí là tuyên bố “khai tử” thì một số trường vẫn phát triển vì tìm được lối đi riêng. Vậy những trường này đã tìm lối đi như thế nào để đứng vững trong thời gian qua?
Học kỳ trong… doanh nghiệp
Tránh dạy lý thuyết chay, tăng cường liên kết với doanh nghiệp (DN) là một trong những cách mà nhiều trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp áp dụng hiện nay.
Những năm gần đây, Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt được chuyển giao cho Ban Giám hiệu mới và bắt đầu khởi sắc. Có được điều này cũng chính là trường chú trọng vào “sản phẩm” đầu ra đáp ứng nhu cầu DN. Bà Nguyễn Thị Hồng Huế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Quan điểm đào tạo của nhà trường là “học thực hành, dạy thực tế”, nhà trường nhất thiết phải  đầu tư trang thiết bị hiện đại để các em thỏa sức vẫy vùng trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp. Hệ thống công ty, nhà hàng, khách sạn của trường và các DN liên kết đào tạo với trường cũng là một sự đảm bảo cho chất lượng và tương lai của HS”. Được biết, để giữ mối quan hệ lâu dài với DN, giúp HS ra trường có thể tìm được việc làm ngay thì trong chương trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng vào đào tạo đạo đức. Tức là nhấn mạnh các nội dung để HS hiểu và gắn bó lâu dài với DN, đặc biệt là những lúc DN gặp khó khăn. Hơn nữa, trường tuyển sinh rất nhiều khóa học ngắn hạn, lớp học ít học viên nên các em có điều kiện tham gia vào rèn tay nghề khá nhiều…
Ngoài việc đưa HS-SV đến DN thực hành thực tế, nhiều trường còn mời DN làm cố vấn cho chương trình đào tạo, kể cả cách ra đề, kiểm tra, đánh giá. Ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu Trưởng Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn cho hay: “Trường chúng tôi thường xuyên cùng với DN rà soát lại nội dung, chương trình đào tạo sao cho phù hợp nhu cầu thực tế đặt ra. Trường gắn kết với DN để tạo môi trường thực tập thuận lợi cho HS. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, khi kết thúc học phần nhà trường sẽ mời các cán bộ kỹ thuật của các DN tham gia chấm kỹ năng thực hành cho HS, trên cơ sở đó đánh giá kỹ năng nào không phù hợp, khiếm khuyết, từ đó DN góp ý cho kế hoạch đào tạo của nhà trường được hoàn thiện hơn…”.
Ngoài việc gắn kết DN để nâng cao kỹ năng nghề cho HS, nhiều trường còn cử giảng viên trực tiếp đến DN cùng tham gia làm đề án, chế tạo sản xuất cùng DN để rút kinh nghiệm thực tế cũng như tiếp cận công nghệ mới về giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC) cho hay: “Nhiều năm nay, chúng tôi đã thực hiện chương trình học kỳ trong DN không chỉ để HS-SV có điều kiện thực hành thực tế trong môi trường sản xuất hiện đại mà ngay cả giảng viên cũng tham gia chương trình này. Mỗi đợt như vậy cử 5-7 giảng viên làm việc theo các dự án tại DN, tạo ra sản phẩm cùng với DN để tiếp thu những công nghệ sản xuất mới nhất về giảng dạy cho HS-SV”.
Bàn về vấn đề này, ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học (GDCN&ĐH), Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó việc tăng cường liên kết với DN, tạo điều kiện cho HS-SV thực hành thực tế tại DN để nâng cao thời gian thực hành thực tập nghề nghiệp từ 50 đến 75% là một trong những biện pháp mà nhiều trường TCCN và CĐ thực hiện từ nhiều năm nay, giúp SV có được việc làm ổn định khi vừa mới ra trường”.
Tăng cường hợp tác quốc tế

SV Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thực hành tại xưởng cơ khí
Nhiều trường TCCN, CĐ trên địa bàn thành phố hiện nay không chỉ hợp tác đào tạo với các trường ĐH trong nước mà còn liên kết với các trường ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển. Với việc hợp tác đào tạo các ngành học theo tiêu chuẩn quốc tế này, bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định và qua đó xây dựng được mô hình và phương thức mô hình theo chuẩn tiên tiến ở khu vực, mở rộng cơ hội tiếp cận, học tập thực tiễn của các cơ sở nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu của hội nhập.
Riêng Phòng GDCN&ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chủ động tiến hành công tác hợp tác quốc tế như: Triển khai đào tạo 2 chương trình tiên tiến theo chuẩn Singapore của ngành cơ điện tử và CNTT đa phương tiện; dự án của Temaek Foundation – Singapore, Hàn Quốc, Tổ chức Giáo dục phi lợi nhuận F+U sachsen CHLB Đức về đào tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường chuyên nghiệp; Bộ Giáo dục và cộng đồng bang New South Wales – Úc đào tạo theo hệ thống TAFE…
Nhiều năm nay, Trường TDC đã chủ động liên kết với các hiệp hội, trường CĐ, ĐH ở Hàn Quốc để đào tạo cho HS-SV. Ngoài ra, trường còn liên kết với Hiệp hội Xây dựng Nhật Bản để đào tạo theo đơn đặt hàng của các DN Nhật Bản. Trong 5 năm gần đây, trường còn đào tạo thí điểm SP (hợp tác với Singapore) và được đầu tư 22 tỷ đồng để phát triển ngành CNTT đa phương tiện và công nghệ điện tử, tham gia hợp tác với hiệp hội thúc đẩy GD-ĐT ở nước ngoài…
Mặc dù chỉ đào tạo bậc TCCN nhưng những năm gần đây Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn đã hợp tác với nước ngoài để đào tạo và đưa SV ra nước ngoài tập sự. Đặc biệt, năm vừa qua trường đã hợp tác với Viện Goethe (CHLB Đức) để đào tạo HS khoa y tại trường. Ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: “Việc hợp tác đào tạo này sẽ nâng cao trình độ kỹ năng, ý thức nghề nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp. Đồng thời, các em được mở mang thêm sự hiểu biết của mình, được học thêm tiếng Đức để sau khi tốt nghiệp được Viện Goethe giới thiệu sang thực tập ở Đức. Những em nào làm tốt có thể được giữ lại các bệnh viện, viện dưỡng lão Đức… làm việc”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Đánh giá về việc hợp tác đào tạo quốc tế, ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng GDCN&ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Việc liên kết với các trường ở quốc gia có nền giáo dục tiên tiến sẽ giúp hệ thống GDCN được tiếp cận với những chương trình tiên tiến, từ đó giúp giảng viên đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy để HS-SV tiếp cận với kiến thức mới và những kỹ năng nghề nghiệp trong thời kỳ mới. Ngoài ra, việc hợp tác này còn giúp các trường có thêm nguồn kinh phí để nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao đội ngũ giảng viên và tăng cường công tác quản lý ở các trường…”. 
 

Bình luận (0)