Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Không còn đủ sức chịu tải đàn cá

Tạp Chí Giáo Dục

Để cứu đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cần phải tỉa thưa và bổ sung loài có mật độ thấp để đảm bảo cân bằng loài. Đây là một giải pháp được các nhà khoa học, giới chuyên môn đánh giá cao và hy vọng sẽ được áp dụng thực tế trong thời gian tới được ghi nhận tại hội thảo “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến luợc quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè” do Sở KH-CN và Truờng ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức mới đây.

Cần tỉa thưa để cứu đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: T.Tri

Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học về đề tài nghiên cứu này với mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng cá chết bất thường khi có mưa.

Theo báo cáo, tính đến ngày 10-10-2016 đã xảy ra hai lần cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Lần đầu vào ngày 17-5, mật độ cá chết dày đặc, nổi trắng mặt kênh. Lần thứ hai xảy ra chiều 4-10, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP phải huy động trên 50 ca nô, tàu chuyên dụng và 250 lao động để tiến hành dọn dẹp, thu gom 70 tấn cá chết tiêu hủy tại bãi rác Đa Phước.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM thông tin, số lượng cá chết từ năm 2014 đến nay tăng cao theo từng năm, cụ thể từ 10, 20 đến 70 tấn. “Ngoài cá thả bổ sung hàng năm, lượng cá sinh sản tự nhiên và cả cá người dân phóng sinh cũng nhiều. Đây là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng về loài, mật độ cá không còn phù hợp với diện tích khiến cá chết”.

Còn Phó Giám đốc Sở NN-PTNN TP.HCM Huỳnh Thị Kim Cúc khẳng định, chất lượng nước kênh có vấn đề bởi trước đây cá chết chỉ xảy ra khi có cơn mưa lớn đầu mùa nhưng nay hễ có mưa lớn là cá chết và chết nhiều hơn.

PGS.TS Vũ Cẩm Lương (Trường ĐH Nông Lâm), chủ nhiệm đề tài cho biết, đã tiến hành nghiên cứu sức tải thủy vực (khả năng một con kênh có thể chứa bao nhiêu con cá – PV). Kết quả nghiên cứu, cá rô phi chiếm tỷ lệ cao nhất (84,2%) và 6,7 con/m2. Còn lại là các loại cá khác như điêu hồng, cá chép, cá trê, cá tra và lóc… chỉ chiếm từ 0,1% đến 5,9%, có loài mật độ chỉ 0,47 con/m2.

Tại hội thảo, từ kết quả nghiên cứu này, các chuyên gia đặt vấn đề thả cá như thế nào cho phù hợp với hiện trạng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhằm tránh tình trạng cá chết hàng loạt như lâu nay vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Các nhà nghiên cứu cũng đặt vấn đề về công tác giải quyết hậu quả cá chết rất tốn kém.

Ông Lương cho biết, cá rô phi là loài sinh trưởng nhanh, và đây là lý do khiến mật độ cá dày đặc không phù hợp với môi trường. Giải pháp đưa ra là tỉa thưa đàn cá nhằm giảm mật độ, bên cạnh thả bổ sung những loài cá có số lượng ít để tạo một quần thể cân bằng. Bên cạnh đó, có thể áp dụng phương pháp bổ sung ôxy bằng hình thức phun nước, quạt nước tại nhiều vị trí.

Giải pháp này được nhiều ý kiến đồng tình vì không chỉ hiệu quả về mặt bảo tồn mà còn đảm bảo mỹ quan từ phun nước nghệ thuật như một số quốc gia châu Á đã áp dụng.

Ông Lương cũng lưu ý là lượng cá tỉa thưa này không được sử dụng để chế biến thực phẩm, không dùng vào mục đích thương mại mà phải thả ở một địa điểm khác. Bởi theo kết quả kiểm nghiệm mà Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì cá sống trong môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không an toàn đối với sức khỏe con người.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết, sở đang thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài này và báo cáo UBND TP xem xét.

Trọng Tri

Bình luận (0)