Chế độ ăn uống, học tập, nghỉ ngơi không hợp lý dễ khiến thí sinh đuối sức khi bước vào phòng thi
|
Ngủ không đủ giấc trong thời điểm ôn thi căng thẳng và áp lực dễ khiến nhiều sĩ tử bị đuối sức, thường xuyên nhức đầu. Tại các chương trình tư vấn tuyển sinh, câu hỏi liên quan đến sức khỏe mùa thi như “làm thế nào để tránh nhức đầu trong thời gian ôn luyện” được các em học sinh quan tâm nhiều nhất.
Không nên ngủ ít, học nhiều
Trong một chương trình tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh được tổ chức tại TP.HCM mới đây, vấn đề ngủ ít, học nhiều, liên tục bị nhức đầu do học thâu đêm đã được em Gia Nghi (học sinh Trường THPT Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nêu lên. Thực ra đây là tình hình chung của rất nhiều học sinh trước mỗi kỳ thi quan trọng, do thời lượng bài vở nhiều. Những học sinh khác cũng cho biết thường uống cà phê để tỉnh táo “chiến đấu” với bài vở nhưng vẫn khó tập trung và hay mệt mỏi.
Bà Trần Thị Minh Hạnh (Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) chỉ ra rằng có tình trạng nhiều học sinh “xén” bớt giấc ngủ để học bài. Vì quá lo lắng nên có những em dù vẫn dành đủ 6-7 giờ để ngủ nhưng lại… chập chờn. Một khi giấc ngủ đêm không trọn, các em không chỉ buồn ngủ, uể oải vào tiết học ngày hôm sau mà còn rơi vào tình trạng liên tục nhức đầu.
Theo bà Minh Hạnh, trong những trường hợp nhức đầu do căng thẳng như thế này, học sinh đừng vội tìm đến thuốc, thay vào đó cần dành thời gian vận động, thư giãn. Việc thư giãn cũng cần đúng cách, tránh mải mê vào những trò khiến đầu óc mệt mỏi thêm như chơi game. Những động tác vận động nhẹ nhàng như tập thể dục, đi bộ, leo cầu thang… sẽ giúp các em nhanh hồi phục lại sức. Việc vận động phù hợp giúp máu lưu thông, dễ đưa ôxy lên não, từ đó dễ tiếp thu bài học.
“Dù áp lực bài học nhiều, các em cũng nên dành thời gian ngủ ít nhất 6 giờ mỗi ngày. Để đảm bảo được thời gian này đòi hỏi học sinh biết lên lịch học tập hợp lý. Khi các em thức quá khuya, hệ thần kinh đã rất mệt, việc uống thêm cà phê dù trước mắt giúp các em chống lại cơn buồn ngủ nhưng vẫn khó nạp thêm kiến thức”, bà Minh Hạnh nhắn nhủ.
Bên cạnh đó, bà Minh Hạnh còn lưu ý, thí sinh quá hồi hộp, mất bình tĩnh trong phòng thi có thể gây nên những cơn đau bụng nhẹ, ảnh hưởng không tốt đến quá trình làm bài. Vì vậy, chuẩn bị tinh thần, tâm thế thoải mái và cả thể chất tốt khi bước vào phòng thi là hết sức quan trọng. Nhất là trong năm nay, chỉ với một kỳ thi duy nhất nhưng lại có tính quyết định chắc chắn sẽ khiến thí sinh áp lực, đặc biệt là những em ở tỉnh phải di chuyển cả đoạn đường dài.
Tránh ăn uống qua loa
Bà Minh Hạnh chỉ ra tác nhân gây uể oải cho học sinh không chỉ do thiếu ngủ mà còn nằm ở khâu ăn uống, dinh dưỡng. Theo bà, qua quan sát các mùa thi cho thấy chỉ phụ huynh quan tâm đến chuyện dinh dưỡng của con cái trong khi chính các em thì lại lơ là. Cụ thể, các em thường bỏ bữa sáng, ăn uống qua loa buổi chiều. Thậm chí có em tan học ở trung tâm luyện thi là đã 9 giờ đêm, chỉ kịp ăn uống vội vàng để tranh thủ tiếp tục “chiến đấu” với bài vở. Chính việc ăn vội, ngủ không sâu, ít vận động trong khi lại học nhiều khiến đầu óc của học sinh thiếu minh mẫn, tiếp thu kém hiệu quả. “Trí óc minh mẫn không thể có trong một cơ thể yếu ớt, xanh xao. Chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý cũng như tăng cường vận động vô cùng quan trọng đối với sức khỏe”, bà Minh Hạnh nhấn mạnh.
Để giải tỏa băn khoăn từ phía các em học sinh, cụ thể là nên ăn uống như thế nào để giữ được “phong độ”, đầu óc minh mẫn, bà Minh Hạnh khuyến cáo: Bữa ăn chính cần đảm bảo đủ lượng chất đạm thông qua thịt, cá, trứng, sữa… Bên cạnh đó, học sinh cần bổ sung thêm vitamin có trong rau củ, trái cây. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thí sinh chẳng những không được bỏ bữa chính mà còn phải “thủ” sẵn bánh trái, sữa… để ăn thêm các bữa phụ.
Áp lực thi cử lớn, khối lượng bài vở nhiều, thí sinh cần sắp xếp lịch học hợp lý để đảm bảo được thời gian ngủ nghỉ, chú ý chế độ dinh dưỡng, vận động. Đây là những yếu tố quan trọng để làm bài thi thành công.
Bài, ảnh: Thục Trân
“Thí sinh quá hồi hộp, mất bình tĩnh trong phòng thi có thể gây nên những cơn đau bụng nhẹ, ảnh hưởng không tốt đến quá trình làm bài. Vì vậy, chuẩn bị tinh thần, tâm thế thoải mái và cả thể chất tốt khi bước vào phòng thi là hết sức quan trọng”, bà Trần Thị Minh Hạnh (Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) lưu ý. |
Bình luận (0)