Tòa soạnThư đi – tin lại

Dạy học tích hợp qua… hội chợ xuân

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THCS Trần Văn Ơn tổ chức bán hàng ở hội chợ xuân để gây quỹ từ thiện
Cũng là hội chợ xuân quyên góp tiền ủng hộ bạn bè cùng trang lứa có hoàn cảnh kém may mắn nhưng hội chợ xuân của học sinh (HS) Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) tổ chức vừa qua lại là một sân chơi học thuật bổ ích. Hội chợ không chỉ giúp các em có những hoạt động lý thú vào mùa xuân mà qua đó giáo viên còn vận dụng phương pháp dạy học tích hợp liên môn để các em có cơ hội vận dụng những bài học lý thuyết vào thực tiễn. 
Chơi mà học
Trước khi thực hiện hội chợ xuân với tên gọi “Xuân yêu thương” này, Ban Giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch rất kỹ với giáo viên để làm sao phương pháp dạy học tích hợp được thực hiện một cách chặt chẽ nhưng nhẹ nhàng để không làm mất đi niềm vui của các em. Vì vậy, toàn bộ giáo viên đã tích cực đồng sức đồng lòng để lên kế hoạch và có sổ mô tả hồ sơ dạy học tích hợp hẳn hoi.
Cô Chiêu Thu Trang áp dụng môn giáo dục công dân, mỹ thuật và tin học cho toàn bộ HS khối 8 thực hiện dự án này. Cô cho biết: “HS lớp 8 đã học bài Lòng yêu thương của chương trình giáo dục công dân lớp 7, môn tin học đã học qua phần Microsoft Word và đặc biệt môn mỹ thuật đã học qua phần mỹ thuật ứng dụng để có thể vận dụng ý tưởng sáng tạo kết hợp thẩm mỹ vào cuộc sống. Vì vậy, tôi áp dụng phương pháp dạy học tích hợp để các em thiết kế poster cho hội chợ”. Từ việc thiết kế này, HS lớp 8 truyền đạt thông tin chính của hội chợ là lòng yêu thương, chia sẻ, cảm thông với những niềm vui, nỗi buồn và sự đau khổ của những trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn.
Trong khi đó, cô Bùi Thùy Dương, giáo viên bộ môn tiếng Anh lại kết hợp các môn văn, sử, địa, nhạc, họa và ngoại ngữ để các em thực hiện gian hàng với chủ đề “Đất phương Nam”. Nghe có vẻ rất lạ nhưng thực ra rất dễ hiểu khi cô chia từng nhóm HS thực hiện như nhóm lịch sử, truyền thống (sử dụng môn lịch sử và tiếng Anh), ẩm thực (môn địa, công nghệ, tiếng Anh), văn hóa, đời sống tinh thần (môn nhạc, họa, tiếng Anh)… để có những gian hàng mang đậm văn hóa Việt cũng như tiết mục văn hóa văn nghệ mang âm hưởng âm nhạc dân tộc.
Cô Phạm Thị Bích Hồng, giáo viên môn văn, người khởi xướng ra hội chợ này chia sẻ: “Nhiều lớp đã vận dụng các môn học vào thực hiện hội chợ này rất sáng tạo, ngoài sức tưởng tượng của giáo viên chúng tôi. Chẳng hạn như các em vận dụng môn vật lý vào việc tổ chức trò chơi, môn văn vào khả năng thuyết trình, môn công nghệ vào nấu nướng… Sau khi thực hiện xong hội chợ, giáo viên đã tiến hành thống nhất, tổng hợp lại các môn để rút kinh nghiệm và có hình thức khen ngợi HS”.
Chia sẻ đúng cách

Trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình phấn khởi khi được giáo viên và  HS Trường THCS Trần Văn Ơn trao tặng những đôi dép mới
Đến hội chợ xuân của HS Trường THCS Trần Văn Ơn, nhiều phụ huynh và cựu HS ngạc nhiên, thích thú trước những gian hàng trang trí bắt mắt, từ đồ handmade như vòng tay, thú bông… đến đồ ăn thức uống đều được các em bày bán sinh động. Nhưng hơn hết, mọi người thấy đằng sau hội chợ còn mang ý nghĩa hơn nữa là sử dụng toàn bộ kinh phí để trao quà xuân cho trẻ em nhiễm HIV ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ý tưởng giúp chúng tôi thực hiện hội chợ này là một vài tháng trước, chúng tôi có đưa một số HS chưa ngoan đến thăm trẻ em ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. Nhiều em đã xúc động trước hoàn cảnh kém may mắn nhưng vẫn cố gắng vượt qua những đau đớn của bệnh tật để tiếp tục sống và yêu đời hơn. Vì thế, chúng tôi muốn mở rộng chương trình để những HS khác cũng được giao lưu với các em, qua đó giúp các em có những phần quà ý nghĩa đón Tết”.
Của cho không bằng cách cho, hơn 50 HS Trường THCS Trần Văn Ơn đại diện cho gần 2.700 HS trường đã chuyển tải tấm lòng của mình đến những trẻ em ở trung tâm bằng việc tổ chức hội chợ Linh Xuân. Nhưng nếu hội chợ ở trường được tổ chức nhờ sự góp sức từ kinh phí hỗ trợ của phụ huynh, các em làm ra sản phẩm và bán lại để lấy lại tiền lời thì hội chợ lần này lại dùng tất cả kinh phí của hội chợ lần trước để tạo ra sản phẩm, sản phẩm này cũng được trưng bày ở các gian hàng nhưng những bạn nhỏ ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình được lựa chọn đồ mình thích hoàn toàn miễn phí. Cô Thúy An cho hay: “Hội chợ ở Linh Xuân có rất nhiều gian hàng như quần áo, giày dép nam, nữ, đồ lưu niệm được phân theo lứa tuổi từ 11 đến 18 tuổi, 3 đến 10 tuổi. Mỗi em được phát 3 phiếu để nhận quần áo, giày dép và đồ lưu niệm mình yêu thích nhất. Quần áo chúng tôi mua từ một cửa hàng kinh doanh của phụ huynh trong trường, còn giày dép thì được lấy từ thương hiệu Bitas”.
HS Trường THCS Trần Văn Ơn đã chuyển tải tấm lòng của mình đến những em nhỏ kém may mắn một cách linh hoạt và tràn ngập tình yêu. Em Đặng Thanh Bình phấn chấn chia sẻ: “Để có được hai buổi hội chợ này, chúng em tốn khá nhiều thời gian và công sức nhưng ngược lại giúp chúng em học hỏi nhiều điều thú vị, đặc biệt là cách tính toán để kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục…”.
Nguyễn Ngọc Quế Châu cũng tràn đầy cảm xúc: “Nhiều người rất sợ khi nhắc đến căn bệnh thế kỷ nhưng trước khi đi chúng em đã được thầy cô tư vấn và tập huấn kỹ nên an tâm hơn. Đặc biệt, khi đến trung tâm chơi với trẻ nhỏ cùng những bạn đồng trang lứa, em cảm thấy càng khâm phục những bạn nhỏ này hơn bởi cũng là HS như chúng em nhưng các bạn vừa học hành, vừa chống chọi với những đau đớn của bệnh tật nhưng vẫn rất yêu đời…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Cô Trần Thúy An cho biết: Qua hội chợ “Xuân yêu thương” tổ chức ở trường, các em đã quyên góp được 130 triệu đồng. Chúng tôi đã trích hơn 100 triệu đồng để làm kinh phí tổ chức cho trẻ em kém may mắn ở Trung tâm Bảo trợ nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình, hơn 20 triệu còn lại sẽ giữ lại để làm quỹ cho năm sau tổ chức. Ngoài việc tặng quà cho trẻ em, nhà trường đã trao bao lì xì cho 86 cán bộ công nhân viên trung tâm – những người có tâm, ngày đêm chăm sóc các em và 122 em ở trung tâm cũng được một bao lì xì vui Tết.
 

Bình luận (0)