Một tiết học thực hành của sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM |
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông. Theo đó, việc thí sinh vừa tốt nghiệp TCCN, TC nghề, CĐ nghề, CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có thể liên thông ngay chứ không phải chờ đợi 36 tháng sau khi tốt nghiệp được nhiều người phấn khởi.
Tuy nhiên, những quy định ràng buộc trong dự thảo này cộng với những đổi mới trong việc xét tuyển CĐ, ĐH năm 2015 cũng làm đại diện các trường trong hệ thống GDNN lo ngại khó tuyển sinh.
Tạo cú hích cho GDNN
Hầu hết đại diện các trường từ TC đến ĐH cho rằng, dự thảo này ban hành nếu được thực hiện thì các trường nằm trong hệ thống GDNN sẽ đón luồng gió mới, cú hích mới trong mùa tuyển sinh, đồng thời dự thảo này cũng rất hợp lòng dân.
ThS. Nguyễn Anh Đức, Phó trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khẳng định: “Những thay đổi trong dự thảo chắc chắn làm người học vui mừng, còn các trường CĐ, CĐ nghề, TCCN, TC nghề có thêm một lối ra cho học sinh nên trường này sẽ tuyển sinh tốt hơn. Có lẽ sau một thời gian thực hiện thông tư, Bộ GD-ĐT thấy rõ sự trở ngại cho người học nên Bộ GD-ĐT mới nới rộng liên thông. Đây là một chủ trương hợp với lòng dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người học”.
Khi thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT ban hành, đại diện các trường TC, CĐ, CĐ nghề đã có nhiều băn khoăn, lo lắng trước việc khó tuyển sinh. Thực tế, hai năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường trong hệ thống này giảm. Thầy Võ Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: “Những năm gần đây, các trường TC, CĐ tuyển sinh rất khó. Riêng trường tôi, những năm trước đều tuyển đủ chỉ tiêu, hai năm này không tuyển đủ, năm 2014-2015 chỉ tuyển được 60%. Lý do dẫn đến vấn đề này cũng có phần do quy chế liên thông ở thông tư 55”.
Cùng chung tâm trạng này, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức chia sẻ: “Khi thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ban hành, chúng tôi vẫn tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng số hồ sơ đăng ký vào trường có sụt giảm, đặc biệt là hệ TCCN. Hiện nhà trường đang đào tạo khoảng 2.000 học sinh TCCN, nếu dự thảo được ban hành chính thức, chắc chắn các em rất vui vì có thể liên thông lên ngay CĐ chứ không chờ đợi sau 36 tháng mới được liên thông hoặc phải thi ngay nhưng thi giống như một học sinh THPT bình thường khác”.
Siết chỉ tiêu, nâng cao chất lượng
Dự thảo bổ sung, sửa đổi một số điều trong thông tư 55 có một số điểm mới “ràng buộc”. Trước đây, xác định chỉ tiêu liên thông chính quy tính theo tổng chỉ tiêu chung của nhà trường với quy định chỉ tiêu liên thông không quá 20% chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường. Tuy nhiên, với dự thảo này, chỉ tiêu liên thông chính quy được xác định theo chỉ tiêu của từng ngành đào tạo, không vượt quá 15% chỉ tiêu của ngành đối với các ngành về khoa học sức khỏe và không vượt qua 20% chỉ tiêu của ngành đối với ngành khác.
Quy định mới này được nhiều chuyên gia đồng tình vì sẽ góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo. “Trước xác định chỉ tiêu liên thông chính quy tính theo tổng chỉ tiêu chung của nhà trường có điểm hạn chế là các trường ĐH có một số ngành chủ đạo tuyển sinh thu hút được nhiều thí sinh nên ngành nào tuyển được nhiều thì chỉ tiêu liên thông nhiều, ngành nào khó tuyển sẽ bù qua bớt lại, điều này làm lệch cán cân cơ cấu ngành nghề xã hội”, ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn, chia sẻ.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Anh Đức phân tích: “Nếu tuyển sinh ồ ạt, bất chấp khả năng đào tạo thì đào tạo chắc chắn sẽ không chất lượng. Vì thế, việc siết chặt chỉ tiêu đào tạo là để các trường tập trung vào nâng cao đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để đảm bảo quy trình đầu ra. Hơn nữa, đầu vào cũng có sự chọn lọc cao, chỉ 20% chỉ tiêu trong từng ngành sẽ đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường. Do vậy, sinh viên đã vào ĐH dù liên thông hay thi thẳng thì chất lượng đầu vào cũng được tuyển chọn kỹ”.
Đồng tình ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho hay: “Siết chặt đầu vào không chỉ để các trường nâng cao đội ngũ và cơ sở vật chất mà còn đảm bảo chất lượng đầu vào, khi đó chất lượng đào tạo liên thông cũng được khẳng định. Đặc biệt, đối với các ngành liên quan đến sức khỏe như y dược thì đầu vào phải siết chặt hơn nữa vì ngành này đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải thật sự giỏi”.
Vẫn lo khó tuyển
Mặc dù đại diện các trường TC, CĐ phấn khởi trước việc Bộ GD-ĐT đã “cởi trói” liên thông nhưng vẫn băn khoăn, lo lắng cho mùa tuyển sinh sắp tới. “Dự thảo này là một cú hích lớn cho các trường TC tuyển sinh nhưng trong kỳ tuyển sinh tới chúng tôi vẫn lo khó tuyển sinh. Hiện học sinh và phụ huynh vẫn thích học ở các trường ĐH, trong khi đó ở nước ta ĐH vẫn có thể đào tạo từ TC cho đến sau ĐH. Nếu có sự phân công cụ thể, ĐH chỉ đào tạo ĐH, CĐ chỉ đào tạo CĐ thì chúng tôi sẽ hoạt động tốt hơn”, ông Trần Văn Năng, Phó hiệu trưởng Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Hóc Môn góp ý.
Những thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cũng làm cho trường nghề băn khoăn. Ông Phan Bửu Toàn cho rằng: “Trước đây chỉ có TC, CĐ nghề mới xét tuyển học bạ, nay nhiều trường ĐH cũng xét tuyển học bạ. Hơn nữa, các em có rất nhiều nguyện vọng để vào ĐH, con đường vào ĐH rộng mở nên việc tuyển sinh ở các trường TC, CĐ nghề có thể sẽ khó khăn hơn”.
Cùng những băn khoăn này, ông Võ Thanh Liêm chia sẻ: “Phần lớn các trường TC, CĐ nghề khó tuyển sinh là do phân luồng. Để phân luồng được 30% học sinh sau THCS, THPT vào TC, CĐ nghề thì cần phải có biện pháp, cơ chế chính sách cụ thể. Chẳng hạn như trong số học sinh tốt nghiệp THPT thì chỉ xét 40% học sinh khá giỏi vào ĐH, 30% xét CĐ, 30% còn lại thì vào TC”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)