SV có “bạn đồng hành” sẽ an tâm hơn trong các hoạt động đi lại. Ảnh nữ SV TP.HCM xem bản đồ tìm kiếm địa điểm di chuyển
|
Việc liên lạc, kết nối giữa sinh viên (SV) với bạn bè và người thân cần được thắt chặt hơn, nhất là sau vụ việc mất tích liên tục của các nữ SV gần đây gây hoang mang, lo lắng.
Chỉ trong hơn 1 tuần đã diễn ra hai vụ mất tích, trong đó, một em bị tử vong (Lê Thị Hà Phương, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) và em còn lại trở về trong trạng thái hoảng loạn (Nguyễn Thị Diễm My, SV Trường CĐ Bách Việt).
SV lo lắng
Trong thời điểm diễn ra hai vụ mất tích trên, một nữ SV đang học Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng được cho là mất tích khi đột ngột rời khỏi nhà 3 ngày và mất hẳn liên lạc. Sau 3 ngày, gia đình, nhà trường và bạn bè nỗ lực loan tin tìm kiếm, SV này đã trở về đồng thời xác nhận mình không mất tích mà chỉ qua nhà bạn chơi rồi ở lại. Do điện thoại hết pin nhưng không sạc được nên em không liên lạc về gia đình.
Tại thời điểm nhạy cảm với liên tục những vụ việc mất tích xảy ra như thế này, những bất cẩn dù là nhỏ nhất như của em SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đều có thể gây thêm mối lo lắng lớn cho bạn bè, người thân và nhà trường. Vì vậy, sau các vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng cần chủ động tăng cường kết nối giữa SV với gia đình, nhà trường và bạn bè để hạn chế thấp nhất rủi ro.
Bùi Hữu Nôen (SV năm 2 Khoa Điện – Điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) bộc bạch: “Liên tục những vụ việc mất tích vừa qua khiến không chỉ các nữ SV mà chính bản thân em cũng cảm thấy hoang mang, lo sợ. Vì sống xa gia đình nên em nghĩ các bạn nữ khi đi đâu, nhất là những nơi vắng vẻ hay gặp người mới quen cần rủ thêm “bạn đồng hành” để an tâm”. Nôen còn quan điểm càng xa nhà thì SV càng cần chăm liên lạc với gia đình thông qua điện thoại, facebook… nhất là trong những sự cố, trường hợp cần thiết.
Gần gũi con nhiều hơn
Ông Nguyễn Trọng Hoàng (Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM) cũng cho rằng dù đa số SV xa nhà và sống cùng bạn bè là chính, tuy nhiên gia đình cũng đừng nên rời mắt khỏi con, thay vào đó cần dõi sát các em nhiều hơn thông qua những kênh khác nhau. Không trực tiếp “lặn lội đường xa” đến thăm con thường xuyên được, các bậc phụ huynh có thể tăng cường liên lạc điện thoại với con cái lẫn bạn bè thân thiết của các em để nắm bắt tình hình. “Đa phần những trường hợp mất tích vừa qua, khi sự việc diễn ra rồi gia đình mới biết, lúc đó khá bị động trong tìm kiếm”, ông Hoàng nói. Theo ông Hoàng, thay vì để xảy ra sự việc đáng tiếc rồi mới tìm hướng giải quyết thì cha mẹ chú ý gần gũi, chia sẻ, dõi sát con nhiều hơn để nắm bắt tâm tư tình cảm của con cái. Ngược lại, chính các SV cũng cần thường xuyên liên lạc gia đình, bạn bè. Thực tế, có nhiều em trọ học xa nhà nhiều năm liền nhưng rất ít gọi điện hay tìm những cách khác liên lạc với cha mẹ.
TS. Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) nhìn nhận việc tăng cường liên lạc giữa SV với gia đình thông qua điện thoại, facebook hay bất kỳ kênh nào khác đều cần thiết. Tuy nhiên, vì từng điều kiện sống, không phải gia đình nào cũng thực hiện thường xuyên được. Do đó, điều quan trọng hơn cả là chính SV chủ động học cách bảo vệ bản thân.
TS. Thành cho biết thêm, việc kết nối với gia đình của SV đã được trường thực hiện trong suốt quá trình đào tạo. Trường thông tin đến gia đình những trường hợp SV thường xuyên bỏ học hoặc quá lâu ngày không đóng học phí… để cùng tìm hướng động viên, giải quyết. Bên cạnh đó, trường còn trang bị cho SV nhiều kỹ năng để “phòng thân” khi gặp sự cố. Qua sự việc, TS. Thành khuyến cáo, SV tránh đi một mình đến nơi vắng vẻ, cẩn trọng chọn địa điểm khi đứng chờ xe buýt hay đợi người khác. Đặc biệt, các em cần xác định rõ ràng được các mối quan hệ thật và giả để đề phòng rủi ro.
Bài, ảnh: Mê Tâm
“SV tránh đi một mình đến nơi vắng vẻ, cẩn trọng chọn địa điểm khi đứng chờ xe buýt hay đợi người khác. Đặc biệt, các em cần xác định rõ ràng được các mối quan hệ thật và giả để đề phòng rủi ro”, TS. Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) khuyến cáo. |
Bình luận (0)