Các TS trả lời vấn đáp trước Ban giám khảo
|
Sau khi trải qua vòng 1 cuộc thi, 265 thí sinh (TS) trong tổng số gần 1.600 TS đã xuất sắc đạt điểm cao nhất bước vào vòng 2 tranh tài viết tiểu luận, trả lời vấn đáp cùng Ban giám khảo đầy hào hứng và tự tin.
Cuộc thi do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục Yola tổ chức.
Bài thi chú trọng các vấn đề trong cuộc sống
Có 60 phút để TS hoàn thành bài thi. Trong phần viết tiểu luận, ngoài biến đổi câu, TS phải viết 250 từ trở lên, xoay quanh kỷ niệm mái trường, thầy cô, bạn bè, tình yêu quê hương, gia đình… nhằm đánh giá khả năng kiến thức, trình bày và khả năng ngữ pháp. Sau đó các TS được chia nhỏ từng nhóm 3-5 em trả lời vấn đáp các vấn đề đời sống hàng ngày và học thuật do Ban giám khảo đưa ra.
Tại phần viết, xoay quanh các đề tài đưa ra, Lê Diễm Quỳnh, lớp 8/8, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) đã lựa chọn đề tài: “Hiệu trưởng muốn mời một diễn giả về nói chuyện tại trường học của mình. Bạn hãy chọn một diễn giả mà bạn nghĩ đến rồi viết thư thuyết phục thầy hiệu trưởng mời người này. Lá thư bao gồm những lí do chi tiết, mang tính thuyết phục để hiệu trưởng ủng hộ lựa chọn của bạn”. Qua đó, Quỳnh đã nhắc đến nữ diễn viên người Anh Emma Watson (24 tuổi) trong bức thư gửi hiệu trưởng, bởi Emma Watson là một diễn viên trẻ, tài năng, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội như vận động cho chiến dịch bình đẳng giới. Và Emma Watson thực sự là tấm gương sáng để các bạn trẻ cần noi theo.
Theo Quỳnh, nội dung đề thi rất hay, mang tính gợi mở, bám sát những sự việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của TS. Vì thế, TS có thể chia sẻ những vốn sống, nói lên suy nghĩ, cảm nhận của bản thân và Quỳnh cảm thấy thích thú vì điều này. Cũng nhờ có vốn từ vựng phong phú, vững ngữ pháp, kỹ năng trình bày nên Quỳnh đã truyền tải trọn vẹn thông điệp trong bài tiểu luận của mình. Riêng phần thi vấn đáp, Quỳnh cũng tự tin trước khả năng nghe, trả lời câu hỏi do Ban giám khảo đưa ra.
Đến với cuộc thi lần này, ngoài TS khối 7, 8 còn có cả TS khối 6. So về kiến thức ngữ pháp tiếng Anh và kiến thức các môn học khác, chúng ta dễ đánh giá TS khối 6 thua hơn hẳn TS khối 7, 8. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn chưa chính xác, chưa đủ để nói lên hết khả năng, trình độ của TS lớp 6. Lê Hoàng Băng Nhi, lớp 6/14, Trường THCS Minh Đức (Q.1) chia sẻ: “Ban đầu em khá lo lắng trước các TS lớp lớn vì ít nhất các anh chị cũng hơn chúng em nhiều kiến thức các môn lẫn kinh nghiệm làm bài thi. Đơn cử tại vòng 1, một số câu hỏi liên quan đến các chất hóa học chỉ được học ở lớp 8 và hoàn toàn xa lạ với chúng em. Nhưng em nghĩ, để chiến thắng cần có nhiều yếu tố. Ngoài kiến thức về các môn học, kiến thức về kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì TS phải vững cả kiến thức khoa học, xã hội. Xác định được điều này, em học tập, rèn luyện đều tất cả mà không loại trừ kỹ năng, kiến thức nào, điều đó giúp em may mắn vượt qua nhiều anh chị lớp 7, 8 để vào vòng 2”, Băng Nhi cho biết thêm.
Qua kết quả, trong tổng số 265 TS lọt vào vòng 2 thì có 98 TS khối 7, 94 TS khối 8 và TS khối 6 đông đảo không kém, 73 em.
TS thể hiện tốt các kỹ năng
Có thể thấy, Vô địch tiếng Anh THCS TP.HCM 2015 đã giúp các TS có cơ hội kiểm tra kỹ năng tiếng Anh, kiến thức chung về cuộc sống, xã hội. Đây còn là cơ hội để TS các trường làm quen, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập, tăng tính mạnh dạn, tự tin.
Bà Thanh Tùng, phụ huynh TS Nguyễn Li Li, lớp 7/10, Trường THCS Lê Lợi (Q.3) cho rằng cuộc thi là sân chơi hết sức ý nghĩa, tạo cơ hội cho TS tiếp cận, làm quen các dạng bài kiểm tra có yếu tố quốc tế như một thước đo lường năng lực. Từ đó phát hiện ra kiến thức nào còn yếu các em sẽ cố gắng khắc phục, phấn đấu rèn luyện học tốt hơn, đồng thời rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và mạnh dạn hơn. Ở nhà, bà Tùng luôn khuyến khích Li Li tham gia các cuộc thi lớn nhỏ, xem đây là cơ hội trải nghiệm kỹ năng và không đè nặng vấn đề thắng thua.
Đánh giá về bài thi năm nay, thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh Trương Lệ Khoa (Trưởng chương trình tiếng Anh Thiếu niên YOLA English Junior) cho biết: “Đề thi năm nay có độ phân hóa cao, nội dung phong phú nên chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực từ phụ huynh và TS. So với năm trước, cấu trúc đề thi không thay đổi nhưng phần thi viết được đổi mới thông qua các đề tài gần gũi với lứa tuổi HS cấp 2, xoay quanh nội dung trường học, sở trường vì thế TS vừa thể hiện am hiểu của bản thân về các vấn đề trên, vừa được định hình nhân cách”. Riêng về trình độ của TS, bà Lệ Khoa cho biết thêm: “TS đại diện mỗi trường đều có nền tảng tiếng Anh, kiến thức khoa học, tự nhiên, xã hội rất sâu rộng. Qua bài thi vòng 2, hầu hết TS đều thể hiện khả năng ngữ pháp vững chắc và kỹ năng nghe, nói, viết thành thạo. Đặc biệt trong phần bài luận, TS thể hiện sự sáng tạo bên cạnh những suy nghĩ rất nghiêm túc, sâu sắc của mình trong bài viết. Chúng tôi còn đánh giá cao sự đầu tư về thời gian cũng như tác phong, lối ứng xử đúng mực của từng TS trong giao tiếp với Ban tổ chức và giám khảo”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Dự kiến vòng chung kết diễn ra vào ngày 26-4 tại Nhà Văn hóa Sinh viên thành phố. 12 trường/đội (4 TS) trải qua 2 phần thi: Phần 1 thi hùng biện và đánh vần. 4 đội đạt điểm cao nhất sẽ vào phần 2 thi đối đầu. Đội đạt điểm cao nhất ở phần thi hùng biện và đối đầu sẽ giành giải vô địch. |
Bình luận (0)