Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đề thi văn 10: Trò vật vã, thầy tranh cãi

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011 – 2012 của Hà Nội được phản ánh là có nhiều tranh cãi không chỉ của giới học sinh mà cả thầy cô giáo, theo ghi nhận của nhiều tờ báo.
Thí sinh sau giờ thi. Ảnh: Văn Chung
Có 4 điểm, câu hỏi số 2, cũng là câu cuối cùng của đề thi chọn tác phẩm “Người con gái Nam Xương”  khiến không ít học sinh bất ngờ.
Đề thi đưa trích đoạn:
"Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời mà than rằng:
Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ nương, xuống đất xin làm cỏ ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ".
Với câu hỏi đoạn trích trên là độc thoại hay đối thoại và giải thích tại sao phải chọn, nhiều thí sinh lúng túng.
Cô Phạm Thị Tú Oanh,  Trường THCS Đống Đa phân tích trên báo Hà Nội Mới: "Để làm được đề thi này đòi hỏi thí sinh phải học hiểu kỹ và biết cách vận dụng kiến thức. Đề thi có câu hỏi phân loại thí sinh đó là các ý yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận hay viết suy nghĩ về tác phẩm. Theo tôi đề thi này phân loại thí sinh khá tốt”.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, các thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn cũng không đồng nhất.  "Có người cho rằng lời thoại là lời Vũ Nương than thở với lòng mình, nhưng có người cho rằng theo quan niệm phương Đông thì “trời” và “Thần sông” cũng là những nhân vật để Vũ Nương đối thoại. Và hơn nữa, trong sách giáo khoa, sách giáo viên lớp 9 cũng có những câu hỏi, hướng dẫn khiến giáo viên có thể hiểu theo các ý khác nhau".
Trên trang Ione, thầy giáo Như Giang, Trường THPT Chuyên Sư phạm, Hà Nội cũng cho rằng: "Đề thi vào lớp 10 năm nay khá hay, bố cục hợp lý. Phần I là thơ thì phần II là văn xuôi. Đề vừa mang hơi thở truyền thống vừa có tính hiện đại. Tuy nhiên, các câu hỏi chưa dành cho phần đông học sinh phổ thông mà mang tính chuyên. Việc đặt ra nhiều ý trong một câu hỏi hơi rườm rà, cách hỏi quá chi tiết khiến nhiều học sinh lớp 9 lúng túng. Không có câu nghị luận xã hội, liên quan đến một vấn đề đạo lý – nhiều bạn khó có khả năng gỡ điểm. Với đề thi này, đạt 8, 9 là có thể, song không nhiều".
Theo Vân Phong
(vietnamnet)

Bình luận (0)