Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đừng ép bản thân theo ngành thiếu đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 3 ngày liên tiếp (4, 5 và 6-3), chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ 2016 chủ đề “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến và cung cấp thông tin cũng như giải đáp thắc mắc cho học sinh các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các em học sinh giơ tay đặt câu hỏi trong chương trình tổ chức ở Đồng Nai

Chọn thi địa lý vì được dùng… Atlat

Tại Đồng Nai, nhiều học sinh cho biết đã chuẩn bị tâm thế khá tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Không ít em đã ấp ủ ngành nghề yêu thích từ lâu, chỉ đang băn khoăn ở việc chọn tổ hợp môn hay đăng ký vào những trường nào vừa với sức học.

Em Nguyễn Hùng Vương (học lớp 12 Trường THPT Tam Hiệp, Đồng Nai) cho biết em định chọn thi 4 môn gồm: Toán – hóa – sinh – Anh văn. Trong đó, tổ hợp môn toán – hóa – sinh sẽ phục vụ xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Dù biết đây là trường có điểm chuẩn thuộc tốp cao và việc cạnh tranh đầu vào hết sức căng thẳng nhưng em rất quyết tâm. Vương chia sẻ thêm, các bạn cùng lớp chuyên với em cũng dự định chọn thi các môn toán – lý – hóa, trong khi đó nhiều bạn lớp thường lại chọn môn địa lý. Tương tự, em Đào Thị Phương Dung (học lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, Đồng Nai) cho hay em thích ngành quản trị kinh doanh nhưng trong số môn em dự định đăng ký thi có cả môn địa lý. Theo Dung, lý do em và nhiều bạn khác chọn địa lý vì khi thi môn này thí sinh được dùng Atlat, thuận tiện và đỡ áp lực hơn.

Liên quan đến câu hỏi của thí sinh về số cụm thi được tổ chức tại Đồng Nai năm nay, ông Đào Đức Trình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai, thống kê: Năm nay toàn tỉnh có khoảng 30 ngàn học sinh sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH, CĐ. Năm trước, tỉnh Đồng Nai chỉ có 1 cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Năm nay, sở đề xuất thêm 1 cụm do trường ĐH chủ trì, tạo thuận lợi cho thí sinh không phải di chuyển xa vì thực tế có những địa bàn cách nhau cả trăm cây số.

Ngành dễ kiếm việc tại địa phương

Ông Phan Sơn Trường, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết năm nay toàn tỉnh có khoảng 11 ngàn học sinh dự thi THPT quốc gia. Địa phương dự kiến tổ chức một cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Tại Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu, câu hỏi của thí sinh tập trung vào hàng loạt ngành nghề, cơ hội việc làm, nhất là việc làm ngay tại địa phương nơi các em đang sinh sống. Em Trần Công Minh Trí (học lớp 12 Trường THPT Châu Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt câu hỏi với đại diện Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu về phương thức tuyển sinh và những chuyên ngành “hot” gần đây. ThS. Lê Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, giải đáp, năm 2016, trường xét tuyển 2 phương thức là kết quả thi THPT quốc gia và học bạ phổ thông cho 3 nhóm ngành: Công nghệ kỹ thuật, quản trị kinh doanh, khoa học nhân văn. Trong đó có nhiều chuyên ngành có sức hút lớn, tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm cao, nhất là làm việc ngay tại địa phương như: Điều dưỡng và tự động hóa, an ninh, hóa dầu, công nghệ thực phẩm, xây dựng, quản trị du lịch nhà hàng khách sạn, kế toán, kiểm toán, tiếng Nhật…

Một học sinh khác phân vân trong việc chọn ngành công nghệ may và một vài ngành thuộc nhóm kinh tế. ThS. Lê Thanh Lâm, Trưởng khoa Khoa học cơ bản Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vinatex, nhận định, vài năm trở lại đây có sự xoay chiều trong lựa chọn ngành nghề của giới trẻ. Cụ thể, từ nhóm ngành kinh tế, luồng quan tâm đã chuyển hướng sang nhóm ngành kỹ thuật trong đó có ngành công nghệ may. Chỉ đơn cử năm 2015, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vinatex tuyển được 16 lớp công nghệ may, trong khi các năm trước chỉ tuyển được 8-9 lớp.

ThS. Mai Đức Toàn, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Bách Việt, phân tích thêm: Học sinh “né” nhóm ngành kinh tế những năm gần đây có nhiều lý do, trong đó có việc các em lo lắng học xong ra thất nghiệp bởi môi trường lao động cạnh tranh ngày càng gay gắt, tiêu chuẩn tuyển dụng ngày càng cao. Ông Toàn khuyến khích thí sinh lượng sức, cân nhắc trong lựa chọn ngành nghề; tuy nhiên ông cũng lưu ý các em không nên ép bản thân theo đuổi ngành thiếu đam mê, yêu thích. Bởi đam mê là một trong những yếu tố giúp các em theo đuổi, gắn bó với ngành nghề lâu dài. Điều quan trọng, khi đã chọn được ngành nghề, các em nên chủ động đầu tư, nỗ lực theo đuổi để đủ sức bước vào thị trường lao động.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)