Tuần rồi, anh bạn tôi là một giáo viên dạy THPT vừa gặp đã than: “Cứ mùa thi tốt nghiệp, tuyển sinh vào lớp 10 là nhà tôi phải tiếp không ít bà con, bạn bè đến nhờ gửi con cháu. Họ nghĩ tôi là người trong ngành nên việc lo lót, chạy chọt cho đỗ tốt nghiệp, vào được lớp 10 nằm trong tầm tay”. Để khỏi mất lòng người quen, anh đành chọn giải pháp nhận lời đại khái hoặc hứa nước đôi.
Chuyện này làm tôi nhớ đến hiệu trưởng một trường cấp III, cũng là người quen của tôi. Anh nổi tiếng nghiêm túc, nên trước và trong mấy ngày thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, anh thường phải dùng “chiêu” trốn biệt, không về nhà, tắt luôn điện thoại.
Thế nhưng cũng có không ít cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo, tới mùa thi lại thích người ta tới lui, thích được tiếng khen của bà con nên rất nhiệt tình, sốt sắng với chuyện gửi gắm con cháu. Mấy ngày thi, liên tục gọi điện thoại, mời rủ, í ới đồng nghiệp đi uống nước, nhậu nhẹt… Thấy số điện thoại reo vào thời điểm thi cử, biết ngay là… có chuyện. Người này gửi người kia, người kia gửi người nọ, thế là thành “dây chuyền nhờ vả”. Là chỗ đồng nghiệp, ra vào gặp mặt, chối từ rất khó! Mà kể cũng lạ, nhiều người năm nào cũng có năm bảy trường hợp con cháu cần giúp đỡ. Cháu con đâu mà đông thế không biết?!
Trước vấn nạn xin xỏ, gửi gắm của phụ huynh, bà con, nhiều giáo viên chúng tôi chỉ mong sao đến mùa thi là được cấp trên điều động đi coi thi thật xa, trường lớp mình dạy không có thành phần con cháu, bà con học hành quá tệ. Ai bảo, nghề dạy học là nghề ít va chạm?
Theo PNO
Bình luận (0)