Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh các lớp đầu cấp: Giải pháp giảm áp lực

Tạp Chí Giáo Dục

Theo kế hoạch đã công bố của Sở Giáo dục & Ðào tạo Hà Nội, từ ngày 1 đến ngày 5-7-2011, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện công tác tuyển sinh vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2011-2012. Mức phấn đấu huy động tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp là 25%, với độ tuổi mẫu giáo là 85%, trong đó ưu tiên nhận trẻ năm tuổi học phổ cập. Các trường tiểu học, THCS cũng sẽ bảo đảm chỗ học cho 100% số trẻ sáu tuổi đủ điều kiện vào lớp 1 và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6.
Sau thời hạn quy định, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao, các trường được phép tuyển sinh học sinh trái tuyến. Tuy nhiên, yêu cầu của lãnh đạo thành phố và của ngành trong công tác tuyển sinh là kiên trì theo chủ trương ba tăng, ba giảm, đặc biệt trong việc giảm số học sinh trái tuyến để giảm dần áp lực trong công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp…
Cha mẹ học sinh làm hồ sơ cho con vào lớp 1. ( Ảnh: TRẦN HẢI )
Áp lực từ tâm lý đám đông
Với sự phát triển đa dạng và mạnh mẽ của các loại hình trường, nhiều năm nay, Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học của con em nhân dân các độ tuổi trên địa bàn, đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Giáo dục & Ðào tạo Hà Nội trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng thái quá, muốn tìm cho con một môi trường học tốt luôn thường trực với nhiều bậc phụ huynh khiến họ đổ xô vào những trường được cho là trường điểm. Ngoài ra còn nhiều lý do khác như: chọn trường gần nơi làm việc để tiện đưa – đón, tìm trường theo nơi cư trú thực tế chứ không theo hộ khẩu, trường đúng tuyến nằm trên địa bàn phức tạp khiến phụ huynh e ngại… Vì thế mà nhu cầu xin học trái tuyến dường như chưa khi nào hết. Quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đã cơ bản bảo đảm tại mỗi phường, xã, thị trấn đều có một hệ thống trường công lập từ mầm non, tiểu học đến THCS nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân địa phương, nhưng vẫn có không ít trường hợp tìm mọi cách để xin học trái tuyến khác phường, thậm chí khác quận.
Hà Nội không thiếu chỗ học. Tổng hợp dữ liệu về sĩ số học sinh bình quân của các trường, các lớp ở từng khu vực cho thấy, sĩ số học sinh/lớp của Hà Nội vẫn thấp dưới mức độ bình quân cho phép của Ðiều lệ nhà trường. Tính trung bình toàn thành phố, sĩ số học sinh/lớp đối với khối lớp 1 là 34,6, trong khi quy định của Ðiều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp; tỷ lệ này khối lớp 6 là 35,2, thấp hơn nhiều so với quy định của Ðiều lệ trường THCS là 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, do mật độ dân cư và sự khác nhau về quy mô từng trường nên sĩ số học sinh/lớp giữa các trường ở từng khu vực có sự chênh lệch đáng kể. Ví dụ như tỷ lệ học sinh/lớp ở cấp tiểu học của Hoàn Kiếm là 42, nhưng Sóc Sơn là 30,9, hay như ở Phú Xuyên chỉ có 20,4…
Rõ ràng là nguyện vọng học tập của phụ huynh chỉ tập trung vào một số trường mà thương hiệu thường được họ tự gắn mác và truyền tai nhau. Thực tế cho thấy không phải ở những trường có tên tuổi mới có giáo viên, học sinh giỏi. 100% các trường THCS quận Hoàn Kiếm hiện đều có học sinh giỏi, giáo viên giỏi cấp thành phố; một số trường ít được phụ huynh biết đến như tiểu học Nguyễn Khả Trạc, THCS Nam Trung Yên, tiểu học Trung Tự (Ðống Ða)… vài năm gần đây cũng đã đóng góp nhiều cho ngành về thành tích dạy – học…
Hai giải pháp bền vững
Ðiều hòa chất lượng một cách thực chất để làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các trường trong cùng địa bàn và giữa các địa bàn được coi là một trong những giải pháp bền vững để giải quyết tận gốc những vướng mắc, bất cập trong công tác tuyển sinh đầu cấp hiện nay, đặc biệt là hạn chế tối đa số lượng học sinh xin học trái tuyến. Ðể triển khai giải pháp này, mỗi đơn vị lại chọn cách làm riêng để ngày càng hoàn thiện mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cho các trường học trên địa bàn mình nhằm tạo thêm niềm tin tưởng đối với phụ huynh.
Với mục tiêu này, năm năm vừa qua, Hoàn Kiếm đã dành tới 40% tổng mức chi ngân sách của toàn quận dành cho giáo dục. Quan điểm của lãnh đạo quận là càng những nơi khó khăn, ngân sách quận càng đầu tư nhiều để dần rút ngắn khoảng cách về điều kiện phục vụ dạy – học ở các nhà trường trên địa bàn quận. Trường THCS Thanh Quan là một điển hình. Từ chỗ là một điểm trường nằm trên địa bàn phức tạp, lộn xộn, phụ huynh e ngại không muốn gửi con, sau khi được lãnh đạo quận quan tâm đầu tư, Thanh Quan giờ đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhiều học sinh thuộc tuyến tuyển sinh của trường giờ đã quay lại gắn bó với trường. Với cách làm như thế, vài năm trở lại đây, áp lực tuyển sinh đầu cấp ở Hoàn Kiếm đã giảm dần, không còn tập trung vào một, hai trường như trước đây.
Còn ở quận Ba Ðình, theo ông Nguyễn Thế Ðại, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, việc điều hòa chất lượng đội ngũ giữa các trường trên địa bàn có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường. Ba Ðình đã chọn cách đầu tư tập trung cho một vài đơn vị làm điểm nhấn, từ đó nhân rộng ra toàn ngành…
Bên cạnh việc điều hòa chất lượng giáo dục giữa các địa bàn, Hà Nội cũng mạnh dạn trong việc phân cấp, tăng quyền tự chủ cho cơ sở trong việc phân tuyến tuyển sinh. Theo đó, các phòng Giáo dục và Ðào tạo quận, huyện, thị xã được quyền xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với điều kiện của từng trường trên địa bàn mình quản lý sao cho đáp ứng được nguyện vọng học tập và giảm vất vả cho phụ huynh khi phải đưa – đón con xa. Và để phân tuyến hợp lý thì việc xác định đâu là học sinh đúng tuyến, đâu là học sinh trái tuyến được coi là yêu cầu quan trọng. Dù còn một vài bất hợp lý, song từ nhiều năm nay, việc xác định đối tượng học sinh đúng tuyến, trái tuyến dựa theo căn cứ hộ khẩu vẫn là tiêu chí được đại diện lãnh đạo các phòng Giáo dục và Ðào tạo và nhà trường đánh giá là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Chỉ có điều, những quy định mới của Luật Cư trú khiến cho việc đăng ký hộ khẩu ngày càng đơn giản, dễ dàng đòi hỏi các trường, tùy theo điều kiện thực tế mà phải tìm cách lọc đối tượng học sinh. Việc lọc học sinh đầu vào bằng quy định thời gian cư trú thực tế hiện đang là phương án phát huy hiệu quả.
Cùng với điều hòa chất lượng, việc giao quyền tự chủ trong phân tuyến tuyển sinh đầu cấp đã và đang được kỳ vọng làm giảm nhiệt về nguyện vọng xin học trái tuyến tại những nơi có nhu cầu lớn trong mùa tuyển sinh năm nay và những năm tới.
Theo Lê Nguyễn
(nhandan)

Bình luận (0)