Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tình trạng quá tải tại các trường mầm non công lập: Lỗi tại phụ huynh?

Tạp Chí Giáo Dục

Phải xếp hàng trắng đêm để vào danh sách do một số phụ huynh tự lập hay bốc thăm như xổ số, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không thể “giành giật” được một chỗ học cho con.
Quá tải nhưng vẫn tuyển trái tuyến
Trường Mầm non Thành Công A thuộc địa bàn có mật độ dân cư đông, nhiều khu chung cư và nhà cao tầng nên con số các cháu đến tuổi ra lớp mầm non (có hộ khẩu thường trú theo quy định) lên tới 2.500 trẻ với 2 trường công lập (Trường Thành Công A và Trường Họa My) và ba trường ngoài công lập.
Hai trường công lập cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1.600 trẻ, còn lại 900 trẻ sẽ phải tìm đường tới trường ngoài công lập. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để trẻ tới học tại các trường này vì học phí lên tới vài triệu đồng/tháng.
Trường Thành Công A vẫn theo phương thức truyền thống là xếp hàng ghi danh. Tuy nhiên, để tránh gây áp lực cho nhà trường, việc ghi danh này lại do chính các phụ huynh tự đặt ra “luật” để liệt kê. Sau đó dựa vào danh sách này thì sáng ngày 1-7 nhà trường sẽ gọi tên để phát đơn cho phụ huynh đăng ký.
Với thông báo: “Nhà trường không chấp nhận danh sách xếp hàng trước ngày 1-7” nhưng tối 30-6, hàng trăm phụ huynh chấp nhận trắng đêm trước cổng trường để ghi danh cho con. Không ít phụ huynh sáng 1-7 đến nộp đơn cho con khá bất ngờ trước việc phải xếp hàng để nghe gọi tên trong danh sách nộp đơn. Danh sách được một số bậc phụ huynh đại diện thiết lập bắt đầu từ lúc 0g1 phút ngày 1-7 và chốt lại vào lúc 0g30 ngày 1-7. 
Nhiều phụ huynh sáng hôm sau đến mới biết có danh sách này đã bức xúc, vì đứng chực chờ đến hơn 23g không thấy ghi danh sách và không biết họ lập lúc nào, với lại danh sách này không có tính pháp lý vì không có dấu xác nhận. Bên cạnh đó việc tuyển sinh là của nhà trường, việc ghi danh sách phải do Ban giám hiệu nhà trường đứng ra đảm nhận thì mới đúng.
Năm nay Trường Mầm non Thành Công A tuyển sinh độ tuổi 2 và 3 tuổi. Ở mỗi độ tuổi này trường sẽ tuyển sinh 70 cháu. Trước khi triển khai công tác tuyển sinh những người đại diện lập danh sách thông báo lần cuối: “Các bậc phụ huynh có thống nhất danh sách này không? Chúng tôi chỉ đọc lặp lại hai lần, nếu ai không có mặt sẽ bỏ qua để đọc người khác”. Hàng trăm phụ huynh tụ tập ở sân trường, chuẩn bị nghe đọc tên để vào nộp đơn.
Ngay sau khi nghe thông báo như vậy, ở phía dưới các bậc phụ huynh bắt đâu nhao nhao, người có con được ghi tên trong danh sách thì đồng tình, còn những người chưa kịp ghi thì phản đối mãnh liệt. Bất bình với tờ danh sách, nhiều bậc phụ huynh chưa kịp ghi tên đánh nước liều “xông thẳng” vào trong để nộp đơn nhưng ngay lập tức bị lực lượng CA phường cản lại. Những tranh cãi gay gắt, thậm chí cả đe nẹt diễn ra trước khu vực tiếp nhận đơn. Còn tại Trường Mầm non Chu Văn An lựa chọn phương thức tuyển sinh… bắt thăm lấy số.
Theo cô Hiệu trưởng Vũ Thị Thanh Hà, hình thức này sẽ “đảm bảo công bằng, minh bạch và dân chủ trong điều kiện nhà trường không đủ khả năng tiếp nhận tất cả các cháu trong độ tuổi vào trường”. Tuy nhiên, có mặt tại trường vào sáng nay, nhiều phụ huynh lại nghi ngại về hình thức “gắp thăm” này vì đi mua hồ sơ mà như đánh xổ số may rủi.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, tại các trường công vẫn có suất dành cho trái tuyến và suất ngoại giao, tức là có quan hệ và có tiền là sẽ có một chỗ học tại một trường công lập dù trái tuyến, vậy câu trả lời là luôn thiếu trường cho các cháu liệu có thực sự thỏa đáng?!
Xếp hàng trắng đêm tại Trường Mầm non Thành Công A
Lý giải của nhà quản lý!
Ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng do dân số cơ học của Hà Nội tăng quá nhanh và dự báo dân số chưa chính xác, đồng thời do người dân hay chọn năm đẹp để sinh con nên gây quá tải cho các trường mầm non công lập tại một số địa bàn. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD& ĐT Hà Nội nói thêm, phụ huynh thức trắng đêm đăng ký học cho con chỉ diễn ra ở một vài trường mầm non công lập chứ không phải ở tất cả các cấp học. Nhu cầu học tập của học sinh và nguyện vọng của các gia đình rất đa dạng.
Có những học sinh cư trú nơi này, hộ khẩu nơi khác, hoặc cũng có cha mẹ muốn xin cho con học trái tuyến ở trường gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón; rồi cũng có phụ huynh chê trường trên địa bàn mình nằm ở khu vực dân trí thấp nên xin trái tuyến chỗ khác.
Theo quy định thì mỗi phường đều cần phải có một trường mầm non, tiểu học, THCS, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số địa bàn ở nội thành chưa có đủ trường cho MN, TH, THCS như các phường Hàng Đào, Cửa Đông, Tràng Tiền của quận Hoàn Kiếm. Ngã tư Sở, Khâm Thiên của quận Đống Đa vv… và một số khu đô thị mới chưa có đủ trường công lập như khu Đô thị Mỹ Đình- Mễ Trì (Từ Liêm), Thạch Bàn, Việt Hưng (Long Biên), hay Văn Phú (Hà Đông) v.v…Trong kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp ở Hà Nội, Sở G&ĐT đã có tham mưu với TP về chủ trương ít nhất có một nửa số điểm trường tại các khu đô thị mới phải là trường công lập, số còn lại xây theo mô hình xã hội hoá.
Việc để dành quỹ đất để xây dựng trường học công lập tại các khu đô thị mới nhằm giải quyết chỗ học cho trẻ trong khu đô thị và đó cũng là việc làm giảm áp lực trái tuyến cho những trường học ở khu vực lân cận.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, TP cố gắng đáp ứng được yêu cầu 100% trẻ em 5 tuổi được tới trường công lập. Ở các lứa tuổi thấp hơn, do sự quá tải của các trường công, phụ huynh vẫn buộc phải tìm đến các trường tư nếu không muốn “trắng đêm xếp hàng xin học cho con”. Về mức học phí cao quá tầm của các trường tư thục, chúng tôi đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ các trường mầm non phát triển cơ sở vật chất.
Có hỗ trợ rồi, TP mới chỉ đạo về định mức thu học phí đảm bảo phù hợp với thực tế khả năng chi trả của người dân. Vấn đề ở đây không phải là thiếu trường mà do cơ chế chính sách đối với các trường ngoài công lập như thế nào cho hợp lý. Hiện nay, mới làm được việc là bình đẳng trong bồi dưỡng giáo viên giữa công lập và dân lập.
Muốn không quá tải, phải học trường dân lập

Ngày 19- 4-2011, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn số 4760/SGD&ĐT-QLT Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2010-2011 gửi các đơn vị giáo dục. Đối với cấp học mầm non: Tuyển sinh theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định; ưu tiên tiếp nhận trẻ năm tuổi, trẻ thuộc tuyến tuyển sinh được giao. Đối với lớp 1, lớp 6: Tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển, theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định cho các trường công lập và ngoài công lập. Về thời gian tuyển sinh: Các trường chỉ được phép tuyển sinh từ ngày 1-7 đến ngày 15-7. Sau ngày 15-7, những trường chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao phải báo cáo với phòng GD&ĐT và căn cứ vào tình hình cụ thể UBND quận huyện, phòng GD&ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu từ ngày 17-7 đến ngày 20-7.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT, việc các bậc phụ huynh cứ thích cho con mình vào trường công lập là do họ đã quen với sự bao cấp trong giáo dục? Đáng ra họ phải chuẩn bị tâm thế để xã hội hóa giáo dục bằng cách cho con học các trường ngoài công lập?! Hiện nay, Hà Nội có 827 trường mầm non trong đó có 667 trường công lập đáp ứng khoảng gần 80% số cháu ở độ tuổi mầm non, mà theo Nghị quyết 05 của Chính phủ thì thực hiện chuyển đổi các trường mầm non công lập thành tư thục để tiến tới 70% số trẻ học tại các trường tư thục?! Như vậy Hà Nội hiện nay thực hiên được 80% số trẻ học công lập đã là một kết quả tốt?! Theo bà Hương tiến tới các trường công lập nên chỉ dành cho các cháu thuộc gia đình khó khăn, hộ nghèo và hộ chính sách, còn tất cả nên học tư thục?!
Có lẽ không bố mẹ nào không muốn con có một chỗ học tập tốt với chi phí vừa phải trong điều kiện thu nhập của phần đông người dân là chỉ ở mức trung bình, nhất là trong tình hình bão giá hiện nay. Và câu chuyện các cháu đến tuổi mẫu giáo không vào được trường công lập để học chúng tôi không nói tới bộ phận kinh tế khá giả. Nhưng chung quy các nhà quản lý giáo dục của Thủ đô vẫn cho rằng lỗi phần nhiều là ở phụ huynh?!
Theo Xuân Thanh
(PL&XH)

 

Bình luận (0)