TPHCM đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế thuê người làm tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước.
Tòa nhà văn phòng IPC tại quận 7, TPHCM.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở TPHCM có biến động nhân sự cấp cao, nhưng việc tìm nhân sự thay thế gặp khó khăn. Thế nên, nhiều lãnh đạo sở ngành, quận huyện, viện nghiên cứu được điều động tới chèo lái các DN. Trước thực tế này, TPHCM đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế thuê người làm tổng giám đốc (CEO) các DNNN.
DN ngàn tỷ nhưng nhiều tháng “trống” CEO
Những năm qua, hầu hết CEO và nhiều lãnh đạo cấp cao các DNNN của TPHCM đều được bổ nhiệm từ vị trí quản lý ở các đơn vị khác hoặc lãnh đạo cơ quan hành chính. Các DN này có tổng tài sản lên tới cả ngàn, chục ngàn tỷ đồng và doanh thu mỗi năm đạt từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng. Dù vậy, nhiều nơi lại trống CEO trong thời gian dài…
Đơn cử, tại Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), sau khi CEO cũ nghỉ hưu gần 3 năm thì mới có CEO mới (vào tháng 12-2020). Tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigon Tourist), sau khi CEO Trần Hùng Việt nghỉ hưu vào tháng 10-2017, thì gần 2 năm sau, vào tháng 4-2019, mới có CEO mới là ông Nguyễn Bình Minh.
Trong khi đó, tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), trong 2 năm qua, liên tục có biến động về CEO. Cụ thể, tháng 5-2019, CEO của đơn vị này là ông Tề Trí Dũng bị khởi tố, tạm giam. Tới tháng 12-2019, khi đang là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, ông Phạm Phú Quốc được điều động, bổ nhiệm làm CEO của IPC với thời gian giữ chức vụ là 5 năm. Tuy nhiên, chỉ 9 tháng sau, ông Quốc bị cho thôi việc do bê bối liên quan đến việc có quốc tịch thứ 2, dù đang là đại biểu Quốc hội. Vị trí CEO của IPC lúc này được coi là ghế “nóng”, bởi sóng gió liên tục diễn ra ở vị trí này. Sau khi trống CEO gần nửa năm, tháng 2-2021, IPC có CEO mới.
Biến động nhân sự cấp cao cũng xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (SAGRI). Ông Lê Tấn Hùng được bổ nhiệm CEO từ tháng 8-2015. Đến tháng 6-2019, ông bị đình chỉ công tác, sau đó bị khởi tố và bắt giam. Tháng 12-2019, SAGRI mới có CEO mới là người từ nơi khác điều động đến.
Tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn – TNHH MTV (SGCC), tháng 6-2017, ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND quận 10, được bổ nhiệm chức danh tổng giám đốc. Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau, ông Trọng đã xin nghỉ…
Cần cơ chế và cách thức kiểm soát CEO
Biến động về nhân sự, nhất là vị trí cấp cao ở các DNNN nêu trên, chứng tỏ có những khó khăn nhất định. Điều này cũng gây nhiều trở ngại trong hoạt động của DN. Là người có nhiều kinh nghiệm điều hành Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA), khi nhận quyết định nghỉ hưu vào tháng 10-2020, CEO Lê Minh Trang chia sẻ, các hoạt động diễn ra mỗi ngày của tổng công ty rất nhiều, như máu trong cơ thể phải chảy liên tục, nhưng giờ đây lại gặp khó khăn vì chưa có người mới điều hành. So với nhiều DN khác, điều may mắn với SATRA là hơn 10 ngày sau DN này có CEO mới.
Lãnh đạo một tổng công ty từng trải qua thời gian “trống” CEO cho biết, hầu hết các CEO là người đại diện theo pháp luật của DN. Nếu thiếu CEO, DN không thể ký các hợp đồng lớn, ký các quyết định về nhân sự và nhiều công việc khác. Trong khi đó, người phụ trách thường chỉ giải quyết các sự vụ, không thể đưa ra các quyết sách mang tính định hướng hoặc điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh kịp thời. Ngoài ra, việc thiếu nhân sự chủ chốt cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa DNNN.
Về giải pháp thuê CEO cho DNNN để góp phần khắc phục bất cập đã nêu, TS Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng việc này TPHCM nên làm từ lâu. Theo TS Huỳnh Thanh Điền, điều hành DN đòi hỏi kiến thức và kỹ năng khác rất nhiều so với điều hành một đơn vị sự nghiệp hành chính thuộc khối chính quyền và khối Đảng. Trong đó, DNNN được giao vốn để kinh doanh trong lĩnh vực cụ thể, nhiệm vụ xuyên suốt của CEO là bảo toàn và phát triển phần vốn được giao. Hoạt động hàng ngày của CEO là quản trị toàn bộ các hoạt động từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, xúc tiến giới thiệu sản phẩm, bán hàng, quản lý tài chính, nhân sự… sao cho phát triển tốt nguồn thu, kiểm soát chi phí để có hiệu quả. Do vậy, CEO phải được trưởng thành trong môi trường kinh doanh mới có thể điều hành DN được trôi chảy.
Do đó, nếu phân công cán bộ công tác lâu năm thuộc khối chính quyền sang điều hành DN sẽ rất rủi ro cho người được giao và rủi ro mất vốn của nhà nước đầu tư vào DN. “CEO là một nghề rất rõ ràng. Việc tìm kiếm người phù hợp để mời làm CEO cho DN là rất quan trọng nhằm đảm bảo phần vốn sử dụng có hiệu quả”, TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
Trước lo lắng về việc kiểm soát CEO, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng: “Việc kiểm soát hành vi của CEO không nằm ở chỗ họ đến từ đâu, mà thuộc về cơ chế và cách thức kiểm soát. Mọi DNNN đều có quy chế hoạt động và có kiểm soát viên, ban kiểm soát thực hiện chức năng kiểm soát hành vi của CEO. Do vậy, nếu CEO có hành vi gây tổn hại đến tài sản Nhà nước thì có ban kiểm soát/kiểm soát viên can thiệp và báo cáo về cơ quan chủ quản kịp thời xử lý. CEO càng độc lập thì việc kiểm soát càng khách quan hơn. Vì thế, thuê CEO luôn có lợi hơn cử người của chính quyền, của cơ quan Đảng qua quản lý.
Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm CEO phù hợp để mời họ điều hành DNNN là rất khó khăn, bởi chi phí tiền công trả cho họ thường rất cao. Vì thế, DNNN cũng cần ý thức hơn trong việc phát triển đội ngũ nội bộ, có quy hoạch và thử thách cụ thể để tạo nguồn nhân lực lãnh đạo cho tương lai.
|
MAI HOA (theo SGGP)
Bình luận (0)