Dự án sẽ chính thức được thực hiện từ tháng 8/2012-12/2018 tại khoảng 25 tỉnh, thành, huyện nghèo.
Sáng 7/9, Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á khởi động dự án phát triển giáo dục Trung học phổ thông (THPT) giai đoạn 2.
Theo đó, dự án sẽ chính thức được thực hiện từ tháng 8/2012-12/2018 tại khoảng 25 tỉnh, thành, huyện nghèo có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Để thực hiện dự án này, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng nguồn vốn 80 triệu USD từ Quỹ Phát triển châu Á. Trong đó, vốn đối ứng của Chính phủ là 20 triệu USD (10 triệu USD từ Trung ương và 10 triệu USD từ địa phương).
Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Mục tiêu của dự án nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện cho nền giáo dục quốc dân, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các vùng khó khăn, vùng có đông người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, dự án cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề để từ nay đến năm 2020 có ít nhất 95% học sinh tốt nghiệp các trường đào tạo nghề đáp ứng được các yêu cầu; 30% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT được học nghề. Tỷ lệ lao động được đào tạo trong lực lượng lao động là 65%.
Song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng sẽ ưu tiên đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên tại những vùng khó khăn thông qua các khoá bồi dưỡng kiến thức và hình thức cử tuyển để đảm bảo đến năm 2020, có đủ giáo viên giỏi giảng dạy ở những vùng, miền khó khăn. Ngoài ra, khoảng 1/4 số tiền triển khai dự án sẽ được dùng để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, phòng học, mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập.
Theo Chu Miên
(VOV)
Bình luận (0)