Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hãy làm đẹp tâm hồn trẻ!

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, xã hội chúng ta xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng theo kiểu máu lạnh của kẻ vô tâm. Đặc biệt, những kẻ thủ ác càng trẻ hóa…

Mẫu số chung dễ nhận thấy ở những người trẻ sớm sa chân vào tội ác này là: Nghiện ma túy, nghiện game, ghen tuông… nên có những hành vi thủ ác tàn nhẫn. Ai xem những dòng tin hoặc hình ảnh về hiện trường những vụ án này cũng đều không khỏi xót xa cho những cái chết tức tưởi dưới các thủ đoạn không thể tha thứ từ pháp luật cho đến lương tâm của con người. Những vụ đoạt mạng người liên tục diễn ra, làm bàng hoàng cả xã hội, gây hoang mang lo lắng cho mọi tầng lớp trong Nhân dân!

Những hoạt động ngoại khóa (ảnh) được tổ chức thường xuyên sẽ giúp trẻ tránh xa tệ nạn xã hội. Ảnh: N.Anh

Tại sao tuổi trẻ lại ra nông nỗi này? Ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự suy đồi này? Thật rõ ràng, chính các em chứ không ai khác phải gánh lấy hậu quả mà mình gây ra. Nhưng nếu chỉ để pháp luật xử lý khi các em phạm tội, liệu chăng tất cả chúng ta, từ gia đình, nhà trường và xã hội có vô can được chăng? Chúng ta đã làm hết cách, hết trách nhiệm chưa?

Đời sống vật chất ngày càng no đủ, văn minh tiên tiến, sự  tiếp cận thế giới càng ngày càng trở nên nhanh hơn, chưa hẳn đã là một tín hiệu tốt bởi có rất nhiều loại hình văn hóa ngoại lai du nhập thiếu chọn lọc. Bên cạnh những thanh niên tiên tiến tham gia các hoạt động rất có ích cho đời như Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Tiếp sức mùa thi… thì một bộ phận không nhỏ tuổi trẻ tha hóa, sống buông lơi, sống không cần biết ngày mai, vô cảm, vô tâm, bỏ học, tham gia vào các băng nhóm gây tội ác!

Thiết nghĩ nhà trường chú trọng nhiều hơn nữa nội dung sinh hoạt dưới cờ sao cho thật sự bổ ích và là món ăn tinh thần vô giá để giáo dục tuổi trẻ sống tốt hơn, nhân văn hơn từ những câu chuyện về Bác Hồ, những tấm gương hy sinh cao quý, những mảnh đời vượt khó thành công, những tuồng tích ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu…

Cuộc sống gia đình ngày nay hiện đại hơn mái ấm gia đình của thế hệ trước rất nhiều. Chúng ta có đầy đủ tiện nghi trong nhà… nhưng lại thiếu đi lời ru của mẹ, sự chỉ dạy từng li từng tí của ông, bà. Có lẽ vì vậy mà các em thiếu cái tình, tăng cái ác. Thưa thớt dần những bữa cơm gia đình, các em thiếu sự sẻ chia, tăng tính ích kỷ. Cha mẹ, ông bà không gương mẫu cũng khiến các em mất đi niềm tin, thiếu điểm tựa trong cuộc đời.

Thế nên vai trò của giáo dục ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình xây dựng và hình thành nhân cách cho các em. Chúng ta hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ, có bao nhiêu câu chuyện hạt giống tâm hồn những bài học về tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu cha mẹ ông bà, yêu thầy cô trường lớp, tình yêu đôi lứa, cách đối nhân xử thế… mà học sinh thuộc vanh vách để từ những bài học đó sẽ hình thành trong tinh thần một lối sống tốt đẹp, tích cực?

Thầy cô hãy trân quý các em nhiều hơn, hãy dành một chút thời gian trong từng tiết học để lắng nghe “tâm sự” của học sinh, từ những câu chuyện nhỏ được trao đổi, được đóng góp, được chia sẻ đến khi gặp khó khăn bên ngoài cuộc đời là lúc các em nghĩ tới những lời thầy cô dạy dỗ khuyên răn, thì ngay lập tức các sân, si, thị phi của đời được xoa dịu và tính thiện trong các em được sống dậy, sự hung hăng, cái ác phải nhường chỗ, có như thế chúng ta mới thấm lời dạy của Bác Hồ “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn – Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Huỳnh Thanh Phú
(Phó Hiệu trưởng THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

 

Bình luận (0)