Bơm chất làm đầy (một chất giống với chất có trong cơ thể) là hình thức làm đẹp không cần dao kéo để tạo hình mũi, cằm, môi…, mang đến nhiều hệ lụy.
Lại một câu chuyện về làm đẹp đang lan truyền trên mạng xã hội và thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ vào cuộc: nhiều khách hàng sau khi bơm chất làm đầy nâng mũi, làm cằm V- line… đã tố cáo họ gặp các biến chứng lệch cằm, sưng môi, “nổi hạch”.
Sưng môi, biến dạng mặt mũi
V.A.T. (22 tuổi, ở Quảng Ninh) bộc bạch lúc nào cô cũng ước ao có chiếc cằm V-line, đôi môi trái tim và chiếc mũi ấn tượng như các cô gái Hàn Quốc…
Khoảng 5 tháng trước, được một người bạn giới thiệu rằng phương pháp làm đẹp bằng chất làm đầy rất an toàn, hiệu quả mà không đụng dao kéo, T. đã tìm đến spa A ở Hà Nội. Theo yêu cầu, T. được tiêm chất làm đầy để sửa cằm thành V-line.
“Nhưng sau khi tiêm khoảng một tháng tôi chưa thấy có cằm V-line, mà chất làm đầy sau khi được tiêm vào bị tràn sang hai bên cằm. Phía spa giải thích với tôi là do cơ địa không thích ứng, nói tôi phải tiêm tiếp một mũi nữa mới giữ được dáng cằm. Khoảng một tháng sau tôi tới tiêm tiếp một mũi ở cằm, cùng lúc tiêm thêm phần mũi và môi. Sau khi tiêm tôi rất hài lòng vì có được khuôn mặt như ý, nhưng chưa kịp vui lâu, một tuần sau lại thấy môi bắt đầu sưng lên, cằm, mũi không giữ được hình dáng… Liên hệ với chủ spa chỉ nhận được câu trả lời qua quýt là do tôi không chú ý vệ sinh, do cơ địa không hợp” – T. kể.
Trong khoảng ba tháng kể từ khi tiêm chất làm đầy để làm đẹp, khuôn mặt T. ngày càng biến dạng, những chỗ được tiêm như mũi, cằm, môi xuất hiện những u, khi sờ vào thấy những cục này di chuyển kèm theo đó là cảm giác đau rát, mất tự tin.
Sau khi trên mạng xã hội như Facebook và các diễn đàn xuất hiện những cáo buộc spa này sử dụng chất làm đầy “dỏm” tiêm cho khách hàng, kèm theo đó là rất nhiều khách hàng là nạn nhân của spa này cũng lên tiếng, T. rất hoang mang.
Theo T., chi phí cho mũi đầu tiên tiêm cằm có giá 8,5 triệu đồng, mũi thứ hai có giá 5 triệu đồng, tiêm môi hết 6 triệu đồng, tiêm mũi 12 triệu đồng… Một trường hợp khác là chị L.P., một khách hàng từng tiêm nâng mũi, kể sau khi tiêm chị bị sưng vù bên trên sống mũi, làm phía trên mũi to và nhức. Chị T.P., một khách hàng khác đã tiêm chất làm đầy để nâng mũi hồi tháng 11-2014, cũng nói sau tiêm mũi chị bị tím và lệch.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết spa A – cơ sở liên quan đến những trường hợp có biến chứng kể trên – từng bị xử phạt một lần vào năm 2014.
Do liên tiếp có thêm nhiều khách hàng tố cáo gặp biến chứng và nghi ngờ “chất làm đầy” được sử dụng không đảm bảo chất lượng, thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ giao Phòng Y tế quận Đống Đa – nơi quản lý dịch vụ y tế tại khu vực có spa này – tiến hành kiểm tra làm rõ, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe khách hàng.
Làm đẹp bằng chất làm đầy chỉ là tạm thời
Theo GS.TS Trần Thiết Sơn – trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, chất làm đầy trong ngành thẩm mỹ là một chất giống với chất có trong cơ thể có tên acid hyaluronic, khi vào cơ thể chỉ trong một thời gian (khoảng một năm) sẽ bị teo đi, do đó việc làm đẹp bằng chất làm đầy chỉ mang tính tạm thời.
Ngoài ra mũi, cằm, môi có thể đầy lên chứ không có được đường nét mong muốn như ở phẫu thuật thẩm mỹ. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng, tiện lợi, khá an toàn. Tuy nhiên, nếu người tiêm không đúng kỹ thuật có thể khiến chất làm đầy lan ra, mất thẩm mỹ. Khi lựa chọn phương pháp này chị em cần tìm đến các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ có uy tín được cấp phép thực hiện.
Ông Sơn cũng cho biết đã có nhiều bệnh nhân tìm đến các cơ sở chui nên gặp rủi ro khi bị tiêm silicon lỏng nhưng lại quảng cáo là chất làm đầy, sau đó gặp biến chứng, chỗ được “làm đầy” bị vón cục.
Một số trường hợp biến chứng trong số này đã đến “sửa biến chứng” tại Bệnh viện Xanh Pôn, nhưng khó khăn khi sửa biến chứng do tiêm chất làm đầy (không loại trừ đó là sản phẩm không đạt chất lượng hoặc bơm silicon lỏng) là không thể lấy hết chỗ đã bơm vào, mà chỉ hạn chế được tại các khu vực u, cục lớn và rõ ràng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt Bệnh viện Việt Nam – Cuba Hà Nội, cũng thông tin rằng tại Mỹ đã có hai trường hợp bị biến chứng mù mắt sau khi tiêm chất làm đầy vùng gần mắt.
Theo bác sĩ Thái, cơ chế khi dùng sản phẩm này là sau khi tiêm vào vùng cần làm đầy, chất làm đầy được tiêm sẽ hút nước và làm đầy/nhọn vùng cần làm đẹp. Sau khoảng 1 hoặc tối đa 2 năm, chất làm đầy phân giải thành nước và thải qua nước tiểu, nếu cần làm đẹp tiếp tục người ta tiêm một mũi kế tiếp ở vùng cần làm đầy. Tuy nhiên biến chứng sẽ xảy ra khi tiêm không đúng cách, tiêm số lượng lớn hơn so với kích thước vùng cần làm đầy.
Nên đến cơ sở thẩm mỹ có giấy phép TS.BS Đỗ Quang Hùng – trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cho biết năm 2014 Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị hàng chục bệnh nhân bị biến chứng sau khi sử dụng chất làm đầy không rõ nguồn gốc hoặc bị viêm da, kích ứng da hoặc thuyên tắc, thiếu máu vùng được chích chất làm đầy. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều loại chất làm đầy. Tại Việt Nam, các cơ sở y tế và các cơ sở thẩm mỹ có giấy phép chỉ sử dụng một số loại chất làm đầy đã được công nhận và được Bộ Y tế cấp phép. Chất làm đầy có ưu điểm khắc phục được nhiều vấn đề trên gương mặt, giúp cho khuôn mặt đẹp tự nhiên, dễ thương sau khi tiêm để nâng cằm, làm cằm dài ra, to ra, làm cho các nếp hằn do lão hóa da trên gương mặt (nếp má, mũi, mi dưới…) biến mất. Khi sử dụng chất làm đầy cho khách làm đẹp, đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo qua thẩm mỹ nội khoa. Người có nhu cầu nên đến cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ thẩm mỹ được cấp phép hoạt động, có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ do sở y tế cấp. Ngoài ra nên chọn bác sĩ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm vì không phải bác sĩ thẩm mỹ nào cũng tiêm được chất làm đầy. L.TH.H. |
Theo Lan Anh- Quỳnh Liên/ TTO
Bình luận (0)