Siêu bom hạt nhân Tsar Bomba là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất, từng được cho nổ và hiện vẫn là thiết bị nổ mạnh nhất con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại.
Siêu bom hạt nhân Tsar Bomba (bom Sa Hoàng) đã được đưa từ thành phố Sarov, quê hương của Trung tâm hạt nhân Nga đến thủ đô Matxcơva vào ngày 22/8 vừa qua.
Phiên bản kích thước chuẩn của quả bom sẽ được trưng bày trong Triển lãm 70 năm phát triển nguyên tử của Nga, tổ chức từ ngày 1-29/9 tại Manege Exhibition, ngay bên ngoài điện Krelin và Quảng trường Đỏ.
Tsar Bomba là tên hiệu của quả bom khinh khí AN602 do Liên Xô phát triển, sản xuất (chỉ duy nhất một quả). Đây là thiết bị hạt nhân lớn nhất từng được cho phát nổ trong lịch sử nhân loại. Bom có công suất 57 megaton (Mt) nặng 27 tấn, dài 8 mét, đường kính 2 mét. Năng lượng sinh ra trong vụ nổ lớn hơn tổng số chất nổ được sử dụng trong Thế chiến II, lớn gấp 3.800 lần quả bom Fat Man Mỹ ném xuống thành phố Nagasaki.
Phiên bản mô hình kích thước thật của bom hạt nhân Tsar Bomba.
Cuộc thử nghiệm bom hạt nhân Tsar Bomba gây chấn động thế giới đã diễn ra vào lúc 11 giờ 32 phút ngày 30 tháng 10 năm 1961, tại khu vực thử nghiệm hạt nhân vịnh Mityushikh.
Bom Tsar Bom được chở trong một chiếc Tu-95 Bear sơn màu trắng để hạn chế thiệt hại do xung nhiệt của bom. Tsar Bomba cũng được gắn một chiếc dù để làm giảm tốc độ rơi, giúp máy bay có thời gian thoát khỏi vị trí thả bom khoảng 50 km trước khi vụ nổ hạt nhân xảy ra.
Khi máy bay tới vị trí được xác định trước, ở độ cao khoảng 10 km, quả bom được thả rơi. Theo các tài liệu, nó được dự định nổ ở độ cao 4 km trên mặt đất (4,2 km trên mực nước biển) bằng các cảm biến khí áp. Quả cầu lửa khổng lồ tạo ra từ vụ nổ chạm tới mặt đất, gần tới cao độ của chiếc máy bay ném bom, và được nhìn thấy và cảm thấy từ 1000 km từ vùng thử. Sức nóng của vụ nổ có thể gây bỏng độ 3 (đứng cách 100 km), đám mây hình nấm sau đó cao khoảng 64 km (gần hơn 7 lần Everest) và rộng 40 km. Vụ nổ có thể được quan sát và cảm nhận thấy ở Phần Lan, làm vỡ kính cửa sổ tại Phần Lan và Thuỵ Điển. Hội tụ khí quyển gây ra thiệt hại ở khoảng cách lên tới 1.000 km.
Quang cảnh sau khi bom hạt nhân Tsar Bomba phát nổ
Khoảng 40 phút sau vụ nổ, sóng radio cách vụ nổ hàng trăm km vẫn bị biến dạng vì ion hóa không khí. Ngoài ra, Sputnik nói sóng âm sinh ra sau vụ nổ đã đi vòng quanh Trái đất 3 lần và ở khu vực đảo Dikson, cách vụ nổ 800km sóng xung thổi tung các cửa sổ và gây ra âm thanh như tiếng đại bác.
Vụ thử này đã biến một khu vực lớn ở vùng Siberia thành một sa mạc phóng xạ. Sau đó, tranh cãi đã nổ ra trên thế giới về tính chất nguy hiểm của vụ việc. Những hậu quả của vụ thử vũ khí hạt nhân tác động trực tiếp lên con người bởi chất phóng xạ gây nguy hiểm vô cùng cho sức khỏe của con người. Những điều đó đã tạo cơ sở để các cuộc đàm phán về một hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân vào ngày 5/8/1963.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)