Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kết thúc kỳ thi quốc gia: Đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày thi “nóng bỏng” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì là năm đầu tiên thi theo hướng đổi mới giáo dục và còn vì diễn ra dưới nhiệt độ lên tới 40 độ C, đã kết thúc. Đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi đã đạt yêu cầu về đổi mới thi cử, công tác tổ chức thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, với dư luận, thì còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ cũng như rút kinh nghiệm tiếp cho năm sau.
Đảm bảo phân luồng học sinh, giảm hồ sơ ảo
Đánh giá của lãnh đạo Bộ GD – ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đáp ứng hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ và đáp ứng được cơ bản những yêu cầu đổi mới giáo dục mà toàn ngành đang hướng tới.

Thí sinh hội đồng thi trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh sau khi kết thúc môn thi vật lý.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có 1.005.654 thí sinh đăng ký, trong đó: 28% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và khoảng 20% thí sinh không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Điều đó đã khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo.
Đánh giá chung về kỳ thi, Bộ GD – ĐT khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi đã được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo ra những tiền đề cơ bản, ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, với việc ra đề theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện, việc luyện thi tràn lan như những năm trước đây đã giảm rõ rệt và đề thi đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi. “Theo đánh giá ban đầu của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của kỳ thi, có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đảm bảo cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt làm được để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và các câu hỏi ở mức độ nâng cao để phân loại học sinh, giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi”, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định.

Trước 25/7 công bố điểm thi 

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT cho biết, bắt đầu từ tối 4/7, Bộ GD- ĐT sẽ chuyển đáp án, thang điểm chi tiết các môn thi đến tất cả các trường để có thể bắt đầu công tác chấm thi. Việc chấm thi hoàn tất vào điểm trước ngày 20/7, trước ngày 25/7 sẽ có kết quả thi.

 

Theo Lê Vân/ TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)