Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tranh cãi vì đề thi chuyên Văn ở TP HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi học sinh phàn nàn đề thi nói về Nguyễn Nhật Ánh không rõ ràng, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa thì giáo viên cho rằng hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp chuyên Văn.
Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào trường THPT Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, nhiều học sinh phản ánh đề thi chuyên Văn ở câu 2 quá khó và không rõ ràng. Nội dung câu hỏi như sau: “Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em (Nguyễn Nhật Ánh). Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm, em hãy giới thiệu về một nhà văn là 'trụ đỡ tinh thần' của em”.
Lê Thanh Hoài, trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) cho biết bản thân rất mê và học tốt môn Văn. Khi mới đọc đề này, cậu thấy có vẻ sáng tạo nhưng suy nghĩ một lúc thì thấy đề quá khuôn mẫu. Nam sinh này hay học thuộc những bài văn, thơ hay để làm “trụ đỡ tinh thần” cho mình, nhưng để hỏi về một tác giả làm “trụ đỡ tinh thần” thì em không trả lời được.
“Chọn một tác giả và đề cao người đó, suy cho cùng chỉ là cách viết đặc tả về thần tượng. Trong bài thi, em chọn nhà văn Tô Hoài là trụ đỡ tinh thần bởi thích tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký học năm lớp 6. Tuy nhiên, em không biết triển khai như thế nào ngoài việc nhắc đi nhắc lại Tô Hoài là 'trụ đỡ tinh thần' của em”, Hoài nói.
Anh-1-Giam-thi-kiem-tra-thi-si-2970-4118
Giám thị kiểm tra danh sách thí sinh trước khi vào phòng thi ở trường THPT Năng khiếu. Ảnh: Nguyễn Duy
Nhiều thí sinh cũng phản ánh, đề thi đánh đố học sinh vì không nằm trong chương trình sách giáo khoa THCS. Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn và không có tác phẩm nào đưa vào chương trình đào tạo bậc THCS. Nhiều học sinh cũng không hiểu khái niệm “trụ đỡ tinh thần cho trẻ em” nên không làm được bài.
Tuy nhiên, một số giáo viên lại cho rằng "đề thi rất mở". Đây là cách làm văn nghị luận. Phần trụ đỡ tinh thần là cách đánh giá, phân tích về những ấn tượng, giá trị của tác phẩm… làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của học sinh.
Theo một giáo viên dạy Văn của trường THCS Đống Đa (Bình Thạnh), tất cả bài văn mà học sinh đã học ở bậc THCS đều là "trụ đỡ tinh thần" cho các em. Nếu không, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không đưa vào chương trình sách giáo khoa. Học sinh thi vào lớp 10 chuyên Văn trường THPT Năng khiếu thì không nhất thiết phải có nội dung trong chương trình sách giáo khoa. Trong bài này, các em không nói về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà được thoải mái nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình về một tác giả nào đó.
“Với dạng đề này, rất khó để tìm được bài thi hay. Nhưng đây là đề thi vào lớp 10 chuyên nên học sinh cần phải giỏi, có năng khiếu mới làm tốt được”, giáo viên này nói.
Câu 3 của đề Văn dành chung cho tất cả thí sinh thi vào trường THPT Năng khiếu yêu cầu học sinh nói cảm nhận của mình về hình ảnh đất nước qua 2 khổ thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) và Đất nước (Nguyễn Đình Thi). Nhiều học sinh, giáo viên đều cho rằng, cách ra đề này không hợp lý. Đề thi quá khó so với trình độ của học sinh lớp 9. Hơn nữa, bài thơ đất nước của Nguyễn Đình Thi nằm trong chương trình lớp 12.
Năm học 2015-2016, trường THPT Năng khiếu có 3.500 thí sinh dự thi với chỉ tiêu tuyển sinh là 600. Tại cơ sở 1 ở quận 5, trường tuyển 250 chỉ tiêu vào 7 lớp chuyên Toán, Anh , Lý, Hóa, Sinh, Văn và Tin học. Ở cơ sở khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM, trường cũng tuyển 250 chỉ tiêu vào 7 lớp chuyên như ở quận 5. Thí sinh phải dự thi 3 môn Toán, Văn, Anh và môn chuyên. Thí sinh thi vào lớp chuyên nào sẽ thi môn chuyên đó.
Nguyễn Duy
Theo VNE

 

Bình luận (0)