Trường Nghệ thuật Điện ảnh thuộc ĐH Nam California (Mỹ) danh tiếng vốn được xem là “ngôi trường của những đứa con hư hỏng”. Bởi đây vốn dĩ là trường dành cho những sinh viên con nhà giàu. Vì vậy, nhiệm vụ của giảng viên là làm sao cho “lũ con hư hỏng” ấy không phát chán.
Vượt qua gần 200 hồ sơ, tôi lọt vào danh sách 12 thành viên được Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam và Quỹ Ford tài trợ tham gia Khóa học làm phim mùa Hè tại trường Nghệ thuật Điện ảnh (School of Cinematic Arts) thuộc USC, ĐH Nam California danh tiếng. Có lẽ với một sinh viên điện ảnh như tôi, chạm ngõ kinh đô điện ảnh Hollywood bằng con đường học tập gần giống như một giấc mơ.
Ngôi trường dành cho những “đứa con hư hỏng”
USC nằm ngay trung tâm Los Angeles – đại bản doanh của các phim trường nổi tiếng. Đây cũng là địa điểm nổi tiếng với Đại lộ Danh Vọng và Nhà hát Kodak – nơi trao giải Oscar hằng năm.
Trong buổi gặp mặt đầu tiên của khóa học, vị giáo sư trưởng khoa đạo diễn Michael Uno, cho biết USC (University of Southern California) còn có một cái tên "truyền thống" khác được các thế hệ sinh viên đặt cho là University of Spoil Children (ngôi trường của những đứa con hư hỏng). Bởi đây vốn dĩ là trường dành cho những sinh viên con nhà giàu. Vì vậy, nhiệm vụ của giảng viên là làm sao cho "lũ con hư hỏng" ấy không phát chán. Giảng viên luôn phải biến hóa không ngừng, tìm cách hút hồn sinh viên bằng bài giảng và phong cách lôi cuốn.
USC đào tạo 17 chuyên ngành khác nhau từ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kinh tế, y tế đến nghệ thuật. Nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà cả thế giới. Chính vì thế mà trường thu hút khá đông sinh viên đến từ các châu lục. Trong số đó, nổi bật nhất là sinh viên đến từ Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc… Và tất nhiên, cũng không thiếu những du học sinh Việt Nam tại đây. Về sau này, tôi vài lần chứng kiến cảnh không ít sinh viên Việt lái những chiếc xe hơi đắt tiền đến trường khiến sinh viên Mỹ cũng phải trố mắt kinh ngạc.
Những chiến binh Trojan
Học phí tại USC khá đắt, 45 nghìn đôla mỗi năm. Nếu tính luôn tiền ký túc xá tổng cộng khoảng 53 nghìn đôla. Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng có thể vào học mà phải xét điểm đầu vào khá nghiệt ngã. Có không ít sinh viên vì điểm số học phổ thông không đạt chuẩn, đành phải chấp nhận vào trường ít danh tiếng hơn. Từ đây, họ phấn đấu trong vòng 1 đến 2 năm để lấy điểm số tốt, tiếp tục đăng ký vào USC. Đó là một bước đi gián tiếp để thực hiện giấc mơ trở thành một chiến binh Trojan – biểu tượng của USC.
Mỗi trường đại học của Mỹ đều có biểu tượng và logo, màu cờ sắc áo cho trường. Mang trên người chiếc áo, balô, nón… có logo của một trường danh tiếng là điều mà hầu hết học sinh sắp tốt nghiệp trung học đều mơ ước. Với USC, biểu tượng của họ là chiến binh Trojan trong thần thoại Hy Lạp. Biểu tượng tinh thần bất khả chiến bại của sinh viên USC hiện ra rõ nhất trong các cuộc thi, các hội thao sinh viên trong trường. Biểu tượng Trojan của USC nức tiếng đến mức tôi thường xuyên gặp lại nó trên những vật phẩm tại các phố du lịch và sân bay Los Angeles.
“Khoảnh khắc chồm tới”
Đây là khái niệm mà buổi học về môn dựng phim được giảng viên Norman Hollyn đưa ra và cũng là tựa đề cuốn sách viết về dựng phim do chính ông biên soạn. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho những người làm điện ảnh của Hollywood: xác định những khoảnh khắc quan trọng để cuốn khán giả vào câu chuyện phim và lôi kéo khán giả đến phút cuối cùng của bộ phim.
Vào học, tôi mới nhận ra những bài giảng thực tế, sôi động để chinh phục được "những đứa con hư hỏng" quả danh bất hư truyền. Mỗi phòng học lý thuyết đều trang bị máy chiếu độ nét cực lớn và dàn âm thanh chuẩn để chiếu phim minh họa. Giảng viên luôn có một trợ giảng túc trực để kịp thời chiếu đoạn phim mà mình đang đề cập, dừng hình lại để phân tích hoặc chậm hình từng frame một để thầy và trò cùng xem "họ đã làm điều đó như thế nào".
Và không chỉ học ở lớp, tinh thần điện ảnh còn bao trùm khắp nơi khi chúng tôi ở ngay trong tâm điểm nhộn nhịp của Los Angeles với những phim trường lớn như Universal, Paramount Pictures, Warner Bros. Trong thời gian học, tôi đắm mình trong không khí rộn ràng với những buổi hội chợ triển lãm thiết bị phục vụ ngành phim, các buổi ra mắt phim bom tấn, một số liên hoan phim lớn nhỏ và buổi lễ đặt ngôi sao mang tên mình trên Đại lộ Danh Vọng của ngôi sao Cameron Diaz. Cũng trên đại lộ này, thời điểm Micheal Jackson đột ngột qua đời, tôi cũng chứng kiến cảnh các fan hâm mộ vây quanh ngôi sao khắc tên ông vua nhạc pop từ sáng đến tối mịt, với vô số hoa và nến, với những lời cầu chúc lẫn những giọt nước mắt tiếc thương vô hạn.
Không khí học tại Cinematic Arts cộng hưởng với các hoạt động đình đám của kinh đô điện ảnh Hollywood. Đắm mình trong nó, tôi mới hiểu vì sao sinh viên ở đây luôn muốn lao nhanh về phía trước, khám phá nghề mình đang học, gọi tên được niềm đam mê và khát khao.
Hãy để cảm xúc lên tiếng
Nằm ngay trong chiếc nôi Hollywood với những bộ phim kỹ xảo bậc nhất, thế nhưng khi học về các môn liên quan đến công việc hậu kỳ phim, các giảng viên nhiều lần nhấn mạnh: "Hãy để cảm xúc làm lu mờ kỹ xảo chứ đừng để kỹ xảo làm lu mờ cảm xúc". Sinh viên chúng tôi luôn được khuyến khích kể những câu chuyện bằng hình ảnh một cách mạch lạc, rõ ràng bằng tất cả cảm xúc của người nghệ sĩ, với hình thức thể hiện đơn giản nhất.
Chính vì lẽ đó, cảm nhận bằng cảm tính trước một kịch bản, một bộ phim là cực kỳ quan trọng. Các nhà làm phim, đồng thời là các giảng viên tại đây luôn muốn nghe chúng tôi phát biểu trước khi đạo diễn một phim, chúng tôi thích kịch bản đó đến mức nào, khóc cười với nhân vật trong ấy ra sao. Điều này thoạt đầu làm tôi bỡ ngỡ, vì nó rất khác với cách tôi học đạo diễn trong nước: sinh viên cần nói cho được thông điệp phim nằm ở chỗ nào, giá trị giáo dục nằm ở đâu. Thậm chí, phải phán đoán luôn cả tác động của bộ phim đến dư luận!
Cảm xúc được nhấn mạnh không chỉ riêng với sinh viên học đạo diễn mà tất cả các thành phần tham gia làm phim. Phát biểu đầu tiên của người giữ vai trò quay phim sẽ là khi đọc kịch bản, những cảnh nào họ cảm thấy rung động nhất. Khi casting cũng gặp điều tương tự. Khi hỏi diễn viên dự tuyển về cảm nhận với một kịch bản, họ thường bày tỏ rất gần gũi: "Cái cảm xúc tồi tệ của nhân vật này tôi từng trải qua rồi, tôi thấy như chính mình trong đó". Hoặc: "Tôi từng có một bà mẹ như trong kịch bản này, tôi thích nó"; hay: "Tôi có một đứa bạn thân, vợ chồng nó y chang như trong kịch bản này"… Thế thôi, nhưng đó chính là sự trải nghiệm gần gũi nhất, cảm xúc thật nhất mà không cần phải trợn mắt, bặm môi để dùng đến trí tưởng tượng quá xa vời.
Tất cả cùng làm một phim
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đó là yêu cầu cơ bản nhất trước khi cả ê kíp bắt tay vào làm phim. Đạo diễn phải nói ngắn gọn cốt lõi của phim cho tất cả êkíp hiểu theo cùng một cách. Từ đó, tất cả mọi người cùng kể một câu chuyện phim. Nếu không, những mâu thuẫn, hoặc những cách hiểu khác nhau, sẽ khiến mỗi bộ phận hình dung ra một bộ phim khác nhau. Đó là bi kịch lớn nhất và cũng là nguyên nhân dẫn đến một bộ phim thất bại.
Tôi đã học cách hiểu rõ công việc của mình trong đoàn phim, cũng như hiểu được công việc của các cộng sự. Biến mình thành một bộ phận thiết yếu trong một cỗ máy – có lẽ, đó chính là trải nghiệm quan trọng mà tôi thu lượm được suốt khóa học. Nó sẽ hữu ích cho tôi sau này, không chỉ riêng trong lĩnh vực phim ảnh.
Những ngày ra hiện trường, dù học đạo diễn, tôi vẫn phải biết cách tháo ráp từng loại đèn. Động tác phải thuần thục và theo đúng phương pháp. Những khẩu lệnh ngoài hiện trường – giọng nói, ra dấu tay, ánh mắt – cũng được học, thống nhất theo đúng quy ước. Và còn một điều mà tất cả sinh viên chúng tôi đều nằm lòng: Trước khi trở thành một Steven Spielberg hay một George Lucas, bạn phải biết khuân vác thiết bị và dọn sạch rác khi rời khỏi hiện trường. Đó là bài học làm phim ấn tượng nhất của tôi, tại Mỹ.
Theo Võ Anh Cẩn
(Sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM)
Sinh Viên Việt Nam
(Sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM)
Sinh Viên Việt Nam
Bình luận (0)