Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cần có chiến lược cụ thể, lâu dài trong lĩnh vực dạy nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu tháng 7 vừa qua, cả nước có tới gần 1,7 triệu thí sinh tham gia dự thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Con số đó cho thấy, hiện nay các bạn trẻ ngày càng coi tấm bằng đại học là hành trang cần thiết vào đời. Song, theo thống kê hằng năm, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đạt chỉ đạt khoảng hơn 10% (200.000 chỉ tiêu/2 triệu lượt thí sinh dự thi). Vấn đề đặt ra là gần 90% số thí sinh thi trượt đại học sẽ về đâu, làm gì? Bao nhiêu phần trăm tiếp tục dùi mài kinh sử để tìm cơ hội vào đại học năm sau, bao nhiêu bạn ở nhà phụ giúp gia đình và bao nhiêu bạn tính chuyện học “cho chín” một cái nghề?
Đào tạo nghề tiện tại Trường Trung cấp nghề số 7, Bộ Quốc phòng.
 Ông cha ta thường răn dạy: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề…” hay “Ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay”, điều đó chứng minh cho tầm quan trọng của việc học nghề. Câu nói trên càng đặc biệt có ý nghĩa khi nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần lao động nông nghiệp. Thực tế hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, do đó công tác dạy nghề-học nghề là yêu cầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đã có 2.052 cơ sở dạy nghề (trong đó có 55 trường cao đẳng, 242 trường trung cấp, 632 trung tâm và 1.123 cơ sở giáo dục, lớp dạy nghề tại các doanh nghiệp và tại các làng nghề… có chức năng và nhiệm vụ dạy nghề). Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hóa về hình thức sở hữu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu học. Quy mô tuyển sinh học nghề năm sau cao hơn năm trước, nhờ có nghề, nhiều người đã có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhiều người đã tự mở cửa hàng, cửa hiệu, tổ hợp sản xuất, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Số tiền Nhà nước và xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo – dạy nghề (GD-ĐT-DN) đã tăng khá nhiều (từ 15.609 tỷ đồng năm 2001, đến năm 2011 đã lên tới 145.120 tỷ đồng). Trong khi đó, chất lượng công tác này lại là một "ẩn số" còn nhiều tranh cãi. 
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp FDI không đánh giá cao chất lượng của các chương trình dạy nghề của chúng ta hiện nay. Họ thường phải đào tạo lại những lao động này sau khi tuyển dụng, vì kỹ năng và kiến thức thấp hơn nhiều so với yêu cầu. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH, có tới 44% các doanh nghiệp FDI phải tổ chức các khóa đào tạo lại cho lao động của mình và 25% học viên tốt nghiệp chương trình dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề và kiến thức. Không ít doanh nghiệp không ngần ngại cho rằng, họ tuyển dụng người lao động mới và đào tạo ngay từ đầu, còn hơn là tuyển những học viên tốt nghiệp các chương trình dạy nghề tại các trường, trung tâm dạy nghề.
Chính vì vậy, chúng ta cũng cần phải nghiêm túc xem xét lại chất lượng đào tạo tại các trường, trung tâm dạy nghề trong cả nước. Trên cơ sở đó có một chiến lược cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực dạy nghề. Ngay tại các trường đại học cũng cần đổi mới chương trình, sao cho những sinh viên đại học tốt nghiệp phải thực sự là những "thợ " đầu ngành. Có nghĩa là chúng ta cần có chiến lược cụ thể, lâu dài trong lĩnh vực dạy nghề. Về phần người học, cần đổi mới tư duy, trở thành sinh viên không có nghĩa là thành công duy nhất. Trượt đại học không đồng nghĩa với việc bạn sẽ đánh mất tất cả. “Khi một cánh cửa đóng lại, cũng có nghĩa là một cánh cửa khác sẽ được mở ra” nếu bạn biết xác định đúng con đường cho mình đi, trong đó học nghề là một con đường hiệu quả và thiết thực để bạn khẳng định mình, góp phần xây dựng đất nước.
Theo Hà Vũ
(QĐND) 

Bình luận (0)