Trong 3 ngày từ 8 đến 10-6, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2021. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và công tác dự phòng nói riêng…
Chương trình Methadone đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố (ảnh chụp trước khi có dịch). Ảnh: I.T
Tham dự hội nghị trực tuyến này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm – cho rằng, 5 năm trước, mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) đã được đặt ra, mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng trên phạm vi toàn cầu, gần như chưa một quốc gia nào đạt được mục tiêu này. Chúng ta cần nhanh hơn nữa để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
“Từ thực tiễn ở Việt Nam, việc bảo đảm tài chính là hết sức cần thiết. Chúng tôi đã tận dụng nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, cùng với ngân sách của Nhà nước, bảo hiểm y tế và chúng tôi đã bảo đảm được bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xử lý rất tốt việc điều trị cho người bệnh. Hiện có 96% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để người dân tự phát hiện ra virus sớm hơn và khi phát hiện ra virus rồi thì được điều trị ngay. Một bài toán rất quan trọng là chúng ta làm sao để người dân thấy việc phát hiện sớm và tiếp cận cơ sở y tế để được điều trị sớm là một việc hết sức bình thường. Điều bình thường này chính là điều cần chúng ta phải nỗ lực nhiều nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên lề hội nghị này, tham dự phiên họp cấp cao với chủ đề “Không dự phòng, Không thể kết thúc: Vai trò lãnh đạo trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS” diễn ra theo hình thức trực tuyến; GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế – cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm mới HIV thông qua việc áp dụng các chương trình điều trị duy trì bằng Methadone.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã lọt vào nhóm số ít quốc gia đã khống chế dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. 15 năm trước, tiêm chích heroin là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Việt Nam, với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện khoảng 30%, nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ còn 10%.
Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS được tổ chức 5 năm một lần, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên, đại diện người nhiễm HIV/AIDS, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội – dân sự… Hội nghị năm nay được tổ chức nhằm khẳng định cam kết chính trị của các quốc gia thành viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tổng kết thành tựu, tiến độ triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã thống nhất tại kỳ họp trước; đồng thời sẽ thúc đẩy các hành động mạnh mẽ trong 5 năm tới để đưa thế giới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 trong khuôn khổ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. |
Theo đó, bài học đầu tiên là làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, các bộ ban ngành, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, chấp nhận nghiện ma túy như một bệnh, chứ không phải là tội phạm và từ đó tích cực điều trị. Quan điểm này đã được luật hóa và đưa vào chính sách, tạo điều kiện cho việc triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Theo đó, chương trình Methadone – chương trình điều trị thay thế của Việt Nam đã được triển khai. Đến thời điểm hiện tại, có gần 53.000 bệnh nhân đang được điều trị Methadone tại 63 tỉnh, thành phố. Chương trình này được coi là thành tựu của Việt Nam, mang lại hiệu quả cao, tác động tích cực về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai toàn diện các can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV dưới nhiều hình thức phong phú và phù hợp. Đồng thời phân phát rất mạnh bơm kim tiêm sạch – phân phát một cách sáng tạo với độ bao phủ rộng do cộng đồng thực hiện và triển khai đồng bộ nhiều chương trình can thiệp khác để dự phòng lây nhiễm HIV như: Phân phát bao cao su, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PreP). Hàng năm có khoảng 25 triệu – 30 triệu bơm tim kiêm sạch được cung cấp cho các đối tượng tiêm chích ma túy. Đây cũng là một trong những thành công của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu 95-95-95 và hướng tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.
Ngọc Hương
Bình luận (0)