Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Truyền Internet bằng ánh sáng

Tạp Chí Giáo Dục

Với tốc độ truyền lên tới hàng trăm gigabit mỗi giây, công nghệ Li-Fi sẽ giúp người dùng Internet không còn phải lo lắng về tình trạng nghẽn mạng.

truyen-internet-bang-anh-sang

Li-Fi sử dụng đèn sáng nhấp nháy để truyền dữ liệu ở tốc độ cao.

Theo IFL Science, Li-Fi là mạng Internet do giáo sư Harold Haas ở Đại học Edinburgh, Anh, phát minh năm 2011. Li-Fi sử dụng truyền tin bằng ánh sáng khả kiến (VLC) để truyền dữ liệu ở tốc độ cao. Về cơ bản, hệ thống này hoạt động như một bóng đèn tín hiệu nhanh, liên tục bật tắt để phát tin nhắn ở dạng mã nhị phân (hệ số 1 và 0).

Trong các thí nghiệm trước đây, công nghệ có thể truyền 224 gigabit dữ liệu mỗi giây trong khi tốc độ truyền của mạng Wi-Fi là 600 megabit mỗi giây.

Hiện nay, Li-Fi được ứng dụng trong thực tế lần đầu tiên nhờ Velmenni, một công ty mới thành lập ở Estonia. Velmenni bắt đầu thử nghiệm Li-Fi trong văn phòng và nhiều khu công nghiệp ở Tallin, Estonia, đạt tốc độ kết nối khoảng một gigabit mỗi giây.

Ngoài tốc độ ưu việt, Li-Fi còn có nhiều lợi thế khác so với mạng Wi-Fi. Tín hiệu được truyền bằng ánh sáng quang học nên không phải xuyên qua tường, làm tăng tính an toàn của hệ thống mạng nội bộ. Việc sử dụng ánh sáng khả kiến cũng cho phép Li-Fi truyền tin ở tần số rộng hơn so với Wi-Fi. Tần số hiện nay của mạng Wi-Fi là từ 2,4 gigahertz đến 5 gigahertz. Tuy nhiên, kết nối sẽ mất nếu người dùng rời khỏi phòng. Đây là trở ngại lớn cần khắc phục nếu muốn áp dụng thành công công nghệ này.

Li-Fi có thể giúp khắc phục tình trạng nghẽn mạng đang ngày càng phổ biến do lượng sử dụng Internet trên thế giới tăng cao. Theo báo cáo của tập đoàn Cisco, Mỹ, lượng trao đổi dữ liệu hàng tháng trên toàn cầu sẽ vượt quá 24,3 exabyte năm 2019, nằm ngoài khả năng xử lý của kết nối mạng không dây hiện nay.

Theo giáo sư Haas, bóng đèn LED trong gia đình có thể dễ dàng trở thành bộ phát Li-Fi, mang đến cho người dùng Internet công cụ kết nối hiệu quả hơn. "Tất cả những gì chúng ta cần làm là lắp một con chip siêu nhỏ cho thiết bị phát sáng. Nhờ đó, hai chức năng cơ bản là phát sáng và tryền dữ liệu không dây sẽ được tích hợp trong cùng một thiết bị", giáo sư Haas cho biết.

Phương Hoa (theo vnexpress)

 

Bình luận (0)