Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hãy là bạn của con!

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ nên vui chơi, làm bạn với con. Ảnh: I.T

“Trong lần khám, tư vấn tâm lý gần đây cho một bé nam ở tuổi dậy thì, tôi yêu cầu em vẽ tranh, vẽ bất kỳ cái gì cũng được. Thật bất ngờ nội dung bức tranh đó lại là một người phụ nữ bị cung tên bắn trúng người” – bà Võ Thị Minh Huệ, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Phòng khám nhi đồng TP.HCM chia sẻ câu chuyện.

Bà Minh Huệ kể tiếp: “Khi tôi hỏi về nội dung bức tranh, đứa trẻ ấy nói rằng người cầm cung chính là em, còn người bị bắn chính là mẹ. Lí do vì mẹ bắt em phải làm mọi công việc trong cuộc sống, học tập theo ý của mẹ. Có nhiều việc em không muốn nhưng vẫn phải làm. Em cho rằng chính vì không thương yêu nên mẹ mới làm như vậy và em trở nên “căm ghét mẹ”…”.

Theo bà Minh Huệ, phụ huynh bắt buộc con cái phải làm điều này, điều kia theo ý mình để đạt được những giá trị tốt đẹp chưa hẳn là đúng. Điều này cho thấy người lớn không hiểu con cái, đang áp đặt suy nghĩ, lối sống của bản thân lên đứa trẻ mà không biết rằng suy nghĩ của trẻ chưa đủ lớn để hiểu hết được mục đích, ý nghĩa những việc làm của người lớn. Mỗi đứa trẻ đều có tính cách, suy nghĩ riêng, chúng cũng cần được làm những việc chúng muốn, cảm thấy phù hợp với lứa tuổi, bản thân, sở thích và chúng cũng cần không gian riêng, cần có sự tôn trọng của cha mẹ. Bị bắt buộc phải theo nguyên tắc khiến chúng cảm thấy bị kiểm soát, mất tự do, thiếu tôn trọng… dẫn đến nảy sinh suy nghĩ tiêu cực và hành động đi ngược với mong đợi của cha mẹ.

Nhiều phụ huynh đưa trẻ đến khám tư vấn tâm lý đều thắc mắc tại sao con mình vốn ngoan ngoãn, hiền lành, rất nghe lời bỗng dưng nổi loạn hoặc sống khép kín, thay đổi tính cách đến kỳ lạ. Có nhiều nguyên nhân, một phần do sự thay đổi tâm sinh lý khi bước vào tuổi dậy thì, song cha mẹ không hiểu được con cái cần gì trong khoảng thời gian này để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Một phần do bản thân đứa trẻ thiếu niềm tin vào cha mẹ để chia sẻ bởi ngay từ nhỏ các em đã bị gò ép vào khuôn phép gia đình. Khuôn phép gia đình có thể khiến cha mẹ không hài lòng mà la mắng, cấm cản nếu con chia sẻ vấn đề. Hầu hết những đứa trẻ này khi được sự động viên, khích lệ của các chuyên gia tư vấn tâm lý, các em mới mạnh dạn, tự tin thổ lộ những khó khăn bản thân đang gặp. Đó có thể là mặc cảm trước sự thay đổi của cơ thể, thích bạn khác giới mà không dám bày tỏ. Hoặc tò mò mình là ai? Sau này mình trở thành người như thế nào?…

“Việc giáo dục, dạy dỗ con cái không dễ dàng chút nào, đòi hỏi cả một quá trình của gia đình, nhà trường nhưng không có nghĩa mọi suy nghĩ, quyết định của người lớn luôn đúng mà ép buộc con cái phải làm theo. Hãy là bạn của con! Hãy đặt bản thân mình vào đứa trẻ để hiểu suy nghĩ, mong muốn của trẻ từ đó có những cách giáo dục phù hợp, tốt đẹp nhất”, bà Minh Huệ khuyên.

Ngọc Trinh

Bình luận (0)