Ở đời, gặp một tên lừa đảo đã kinh hoàng, ở đây lại là tên lừa đảo chốn lầu xanh. Một vấn đề được đặt ra: Vậy hắn có gì khác với những tên bịp bợm ở đời? Hãy lần mở cấu trúc, ý tứ trong đoạn cụ Nguyễn nói về Sở.
Trước hết con người của Sở được Mã kiều (cô gái cùng ở lầu xanh với Thúy Kiều – người bảo lãnh cho Kiều để mụ Tú thôi đánh đập, hành hạ) tóm tắt trong 10 câu thơ. Đầu tiên là lời khẳng định: Thôi đà mắc lận thì thôi/ Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh! Hắn là người thế nào mà ai chẳng biết con người ấy? Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/ Một tay chôn biết mấy cành phù dung! Trong cõi trăm năm của người đời, có nhiều cách nổi tiếng. Riêng Mã nổi tiếng về bạc tình! Cứ cho rằng sự bạc tình cũng không hiếm trên đời, nhưng đây là bạc tình để làm hại, giết chết bao cô gái ngây thơ dễ tin người. Chỉ hai chữ một tay (một tay chôn biết mấy cành phù dung) đã tấp lên đầu hắn bao tội lỗi. Sau này chúng ta sẽ gặp hai từ một tay khi cụ Nguyễn tả Từ Hải: một tay gây dựng cơ đồ. Cũng bàn tay con người sao ở người này cao đẹp, vĩ đại, còn ở người kia bẩn thỉu, đê hèn. Mã kiều không dừng ở mức tố cáo con người xấu xa ấy mà còn vạch rõ cách lừa gạt, bịp bợm của Sở: đó là kế sách đà đao. Đà đao là kế sách của Tào Hồng ngày xưa: vờ thua chạy để địch đuổi theo, bất ngờ quay giáo đâm giặc. Đây là miếng võ hiểm, mưu kế thâm độc hại người. Hắn vờ cứu Kiều, rủ Kiều đi trốn để nàng phạm tội đêm hôm trốn chạy theo trai. Mã kiều cũng cho Thúy Kiều biết sự câu kết gắn bó giữa Sở và Tú bà: Đà đao sắp sẵn chước dùng/ Lạ gì một cốt một đồng xưa nay… Thì ra Sở Khanh câu kết và làm ăn với mụ chủ lò điếm. Mã kiều lại vạch mặt, lại mỉa mai: Có ba mươi lượng trao tay/ Không dưng chi có chuyện này trò kia! (Bốn chữ chuyện này, trò kia xin nhường độc giả tự suy, bởi nếu chú cho đủ bốn chữ này chắc không dưới 10 dòng, một đoạn văn khá dài).
Mã kiều đã để lồ lộ chân tướng của Sở, Mã kiều còn cho Thúy Kiều biết: Rồi hắn sẽ trở mặt và chớ dại gì lôi thôi với hắn! Tưởng Kiều đã rõ đầu đuôi, nào ngờ Thúy Kiều còn nghi ngại: Nàng rằng: “Thề thốt nặng lời/ Có đâu mà lại ra người hiểm sâu?”.
Lại một tài hoa của cụ Nguyễn. Cụ đã hé thêm một tính cách mới ở Thúy Kiều: quá tin người. Chính vì thật dạ tin người mà Kiều đã đem đến cái chết cho người tình muôn ngàn ân nghĩa, Từ Hải.
Chỉ cần đọc kỹ 10 câu thơ, lời của Mã kiều ai cũng ngán ngẩm, kinh dị trước con người Sở. Không dừng ở mức độ ấy, cụ Nguyễn cho Sở xuất hiện: Còn đang suy trước, nghĩ sau/ Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào! Nguyễn Du không nói Sở bước vào mà dẫn vào, cụ cũng không nói con người của Sở mà là mặt mo! Nếu theo các học giả Trương Vĩnh Ký và Phạm Kim Chi chú: “Mặt dày mày dạn”, e không hết dụng ý Nguyễn Du. Phải nói rõ là cái mặt của Sở giống như cái mo treo ở các con bù nhìn, hình nộm, cái mặt ấy trơ ra không biết xấu hổ. Trâng trâng tráo tráo không biết nhục giống như cái mo kia trơ trơ trước nắng gió… Cái mặt của Sở dày như vậy, lại còn to tiếng nói: Nghe rằng có con nào ở đây/ Phao cho quyến gió rủ mây/ Hãy xem có biết mặt này là ai? Nguyễn Du đã nhắc lại từ mặt để cuối cùng Thúy Kiều đáp lại: Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?
Tưởng Sở đeo mãi cái mặt mo nhưng cụ Nguyễn đã hạ cái mo ấy xuống, Sở cũng thấy nhục: Phụ tình án đã rõ ràng/ Dơ tuồng nghĩ mới kiếm đường tháo lui.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)