Trong kinh doanh các doanh nghiệp đều phải tính đến rủi ro tỉ giá và sử dụng các biện pháp để bảo vệ. Vậy tại sao các doanh nghiệp lại đẩy phần thiệt về người tiêu dùng?
Phòng điều hành một giàn khoan khai thác dầu khí của PVN trên biển Đông – Ảnh: C.V.K. |
* PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – marketing):
Khi doanh nghiệp lợi thì không thấy nói?
Các tập đoàn này kêu nhưng cơ quan quản lý phải xem việc kêu này có hợp lý hay không, nhất là khi giá điện lại nằm trong việc kê khai giá và đăng ký các yếu tố giá. Do đó cơ quan quản lý phải thận trọng trước đề xuất này sao cho đảm bảo sự minh bạch.
Trong kinh doanh các doanh nghiệp đều phải tính đến rủi ro tỉ giá và sử dụng các biện pháp để bảo vệ. Thị trường luôn có biến động, nhất là tỉ giá xưa nay đã thường xuyên biến động, đặc biệt giai đoạn từ năm 2011 trở về trước.
Ngoài ra nếu chỉ tính tỉ giá không thì chưa đủ cơ sở, mà phải xem trong hạch toán giá thành doanh nghiệp đưa giá là bao nhiêu. Cơ quan quản lý cần xem xét việc hạch toán có đúng không chứ không thể để doanh nghiệp chỉ kêu một chiều trong khi lúc doanh nghiệp lợi thì không thấy nói?
* PGS.TS LÝ HOÀNG ÁNH (hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM):
Doanh nghiệp phải dự phòng trước rủi ro
Việc đề xuất phân bổ rủi ro tỉ giá vào giá điện là bất hợp lý vì khi kinh doanh, doanh nghiệp phải dự phòng trước rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỉ giá. Bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng phải biết điều này chứ không thể nói chuyện tỉ giá biến động bất lợi cho doanh nghiệp để đòi tăng giá.
Ở đây người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi ngược lại là vậy những thời điểm tỉ giá biến động có lợi cho doanh nghiệp thì sao, doanh nghiệp có nộp cho Nhà nước hoặc chia lại cho người tiêu dùng không mà bây giờ bất lợi lại yêu cầu người tiêu dùng phải chia sẻ. Như vậy là không có cơ sở cả lý và tình.
Sự việc vừa rồi cũng là bài học rút ra cho những nhà quản trị điều hành kinh doanh tại VN phải có phân tích đánh giá, từ đó dự phòng những bất trắc và có những biện pháp phòng ngừa. Làm gì có chuyện điều hành quản lý kinh doanh mà rủi ro lại đưa vào người tiêu dùng.
* TS LÊ TRUNG THÀNH (Trường đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội):
Tạo sự bất bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân
Tỉ giá tăng có tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu do USD trở nên đắt đỏ hơn so với tiền đồng. Đây là khó khăn chung cho cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu nhân dịp này tranh thủ xin tăng giá để tốt cho lợi nhuận của mình.
Đặt địa vị các doanh nghiệp tư nhân, không thể xin được như vậy, họ chỉ có một cách duy nhất là cắt giảm chi phí quản lý, rà soát lại mọi loại chi phí để tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo vẫn cạnh tranh được. Việc các doanh nghiệp nhà nước xin điều chỉnh có lợi cho mình vô hình trung lại tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân đang gồng mình trước bão tỉ giá, bởi họ không có chỗ nào để xin.
* Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần:
Không thể đẩy phần thiệt cho người tiêu dùng
Từ năm 2011 đến nay, lãi suất vay của VND bình quân là khoảng 10%/năm, trong khi đó lãi suất vay USD trung bình chỉ khoảng 5%. Như vậy trung bình trong năm năm qua vay USD tiết giảm khoảng 25% lãi suất. Xét về tỉ giá, trong năm năm qua tỉ giá tăng khoảng 15% (từ 19.500 đồng/USD lên 22.500 đồng/USD), như vậy xét về tương quan giữa lãi suất và tỉ giá, doanh nghiệp vay USD vẫn lợi được 10%.
Do vậy khi tính bài toán lỗ lãi, doanh nghiệp cũng phải tính cả chênh lệch lãi suất họ được hưởng do vay USD chứ không thể chỉ nói phần thiệt là doanh nghiệp bị lỗ do điều chỉnh tỉ giá. Lâu nay phần chênh lệch lãi suất đã tiết giảm chi phí và đưa vào lợi nhuận. Nay tỉ giá tăng lại đẩy phần thiệt cho người tiêu dùng là không thể chấp nhận được.
Bình luận (0)