Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Năm 2020 sẽ thoát ngập

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh bì bõm lội nước trên đường đi học về. Ảnh: Minh Quân

Mưa lớn kéo dài, nước ngập lút yên xe, giao thông tê liệt nhiều nơi, hàng ngàn xe chết máy, hàng ngàn hộ dân vật vã, thức trắng canh nước lũ trong đêm… Sớm hôm sau, nhiều tuyến đường vẫn chưa rút nước khiến người dân lại phải “bơi” tới cơ quan, trường học, xí nghiệp. Đó là những gì cơn mưa lớn chưa từng thấy vào chiều tối ngày 15-9 gây ra cho người dân thành phố.

66 điểm ngập ở các tuyến đường

Đó là con số thống kê của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM về các điểm ngập nước trên các tuyến đường (chưa kể các điểm ngập ở các tuyến hẻm, khu dân cư) do trận mưa lịch sử trên gây ra. Theo đó, các khu vực bị ngập và ngập sâu nhiều nhất là quận Bình Thạnh (12 điểm), quận 6 (7 điểm), Thủ Đức (7 điểm), Gò Vấp (5 điểm), Bình Tân (hai tuyến đường Bình Trị Đông và Ấp Chiến Lược)… Riêng tuyến đường Trần Não (quận 2) bị ngập toàn tuyến. Theo phản ánh của người dân, một số nơi nước ngập sâu 50-70cm như khu vực ngã ba đường Ấp Chiến Lược – Bình Trị Đông (Bình Tân), ngã tư Ấp Chiến Lược – Đất Mới, đường Trần Não (quận 2), thậm chí có nơi ngập xấp xỉ 1m như ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) khiến giao thông gần như tê liệt hoàn toàn. Cho đến chiều ngày 16-9, một số tuyến đường, khu vực vẫn còn ngập sâu. Cụ thể như khu vực đường Mã Lò, Đất Mới (quận Bình Tân) nước vẫn còn ngập và tràn vào nhà dân làm hư hại nhiều tài sản; đường Hòa Bình (Q.11 và Q.Tân Phú) nước ngập kéo dài cả trăm mét, có đoạn nước dâng lên đến yên xe khiến nhiều phương tiện chết máy; khu vực đường Lương Định Của, Trần Não (quận 2), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) nước vẫn ngập gần 50cm và kéo dài cả cây số… gây khó khăn cho việc đi lại, học hành, vận chuyển hàng hóa của người dân. Ông Lê Văn Triều, ngụ tại địa chỉ 374 Chiến Lược, phường Bình Trị Đông (Bình Tân) cho biết, đêm 15-9 con hẻm bên cạnh nhà ông nước ngập đến thắt lưng, đến trưa hôm sau vẫn chưa rút, các hộ dân phải huy động 3 máy bơm liên tục nhưng vẫn không ăn thua.

Theo nhận định của ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước – Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM, cơn mưa vào chiều 15-9 là trận mưa lớn nhất tính từ năm 2008 đến nay. Nguyên nhân khiến thành phố bị ngập nặng trước tiên là do tình trạng đô thị hóa quá nhanh khiến cơ sở hạ tầng của hệ thống thoát nước ở nhiều nơi bị xuống cấp, cũ kỹ, không đáp ứng kịp. Một nguyên nhân nữa là do tình trạng biến đổi khí hậu khiến lượng mưa và triều cường đều vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Theo đó, lượng mưa có nơi lên đến 142mm, vượt quá công suất thiết kế 85,36mm và đỉnh triều đạt 1,4m, vượt quá công suất thiết kế là 1,32m.

Đến năm 2020 sẽ thoát ngập

Đó là khẳng định của ông Đỗ Tấn Long. Theo ông Long, đến năm 2020, nếu mưa với vũ lượng như cơn mưa chiều tối ngày 15-9 vừa qua, thành phố sẽ thoát ngập nếu thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016-2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo.

Theo quy hoạch tổng thể thoát nước của TP.HCM đến năm 2020, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước cống cấp 1 chịu được lượng mưa lớn nhất là 85,36mm trong vòng 3 giờ, cống nhỏ hơn chịu được lượng mưa 75,88mm, tương ứng với đỉnh triều là +0,32.

Bàn về giải pháp cấp thiết trước mắt, ông Long cho biết, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống cống thoát nước cũ (đặc biệt ưu tiên các khu vực trọng yếu) và tăng cường nạo vét các kênh rạch để khai thông dòng chảy… Về lâu dài, thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng 103 hồ điều tiết và tiếp tục hoàn thiện nhiều dự án khác để góp phần từng bước xóa các điểm ngập trên toàn địa bàn thành phố.

Đinh Vũ

Theo báo cáo tóm tắt giải quyết ngập khu vực TP.HCM (có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu) của UBND thành phố công bố ngày 7-7-2015, hiện thành phố đang thực hiện song song 2 quy hoạch chống ngập nước là: 752 và 1547. Quy hoạch 752 tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước cho khu vực trung tâm gồm vùng Bắc, Đông Bắc, Đông Nam và Tây thành phố với kinh phí 87.418 tỉ đồng và quy hoạch 1547 có tổng kinh phí là 12.823 tỉ đồng. Dự tính khi hoàn thành các quy hoạch trên, sẽ góp phần giải quyết ngập cho khu vực rộng 550km2 và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu dân. 

Sống trong sợ hãi

Nhiều hộ dân sống dọc đường Trần Đại Nghĩa, đoạn qua P.Tân Tạo, quận Bình Tân và xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM phản ảnh gần 10 ngày nay họ phải sống trong sợ hãi do đường bị ngập. Vào buổi trưa, mặc dù trời nắng nhưng đường Trần Đại Nghĩa nước vẫn còn ngập sâu một đoạn khoảng 200m. Xe cộ qua lại gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị ùn ứ do một số xe tránh nước và các xe chết máy dẫn bộ phía trước (ảnh).  Nước ngập, nhiều ổ gà, ổ voi trên đường tạo thành bẫy khiến người đi qua bị té ngã, nguy hiểm. Nhiều tiểu thương tại chợ Khải Hoàn trên đường này phải nghỉ bán, một số tiểu thương bày bán nhưng không ai mua do nước ngập. Người dân tại khu vực này cho biết, nguyên nhân khiến nước ngập kéo dài trên đường này là do một công trình thi công làm bít cống thoát nước. Người dân đã phản ảnh nhiều lần nhưng không thấy ai xuống giải quyết. Rất mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng này cho người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

 

T.B

 

Bình luận (0)