Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức chế tài xử phạt vi phạm ATGT để đủ sức răn đe, kéo giảm TNGT.
Lực lượng CSGT và TTGT tỉnh Vĩnh Long kiểm tra xe sơ-mi rơ-moóc có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải – Ảnh: Hồng Thủy |
Sáng 2/7, tại Hội nghị trực tuyến công tác bảo đảm ATGT 6 tháng đầu năm, nhiều ý kiến của đại biểu đến từ các địa phương và các bộ, ngành cho rằng, cần tăng mức chế tài xử phạt vi phạm ATGT để đủ sức răn đe, từ đó kéo giảm TNGT.
Kiến nghị tăng nặng mức phạt
Đồng chí Trần Thành Nghiệp – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, các ban ngành của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền ATGT theo chiều sâu và đẩy mạnh TTKS thực hiện giải pháp đồng bộ nên giảm được TNGT 6 tháng qua. Tuy nhiên, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Mặc dù tuyên truyền nhiều, nhưng vẫn xảy ra tình trạng xe quá tải, quá khổ. Nếu có chế tài đủ sức răn đe thì việc giảm TNGT sẽ bền vững.
Cùng chung quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ê Nuôi cho biết, phạt vẫn phạt, nhưng vi phạm vẫn vi phạm. Trong ý thức của nhiều người chưa từ bỏ ý định vi phạm pháp luật ATGT. Nếu cứ để tình trạng đối phó thế này thì TNGT rất khó kéo giảm.
Mạnh mẽ và quyết liệt hơn, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thẳng thắn, năm nay tỉnh An Giang để tăng TNGT là điều rất đáng buồn. Và nếu năm sau tăng tiếp, sẽ xin rút. Dứt khoát như thế. Công tác ATGT mà lơ là một chút thôi TNGT sẽ tăng ngay.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, TNGT giảm là mừng, nhưng còn phức tạp, đặc biệt là ô tô và xe khách, xe đầu kéo. Bộ GTVT cần mở cao điểm tuyên truyền kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT đối với nhóm đối tượng này. Hiện nay, ta đang thả lỏng quá.
“Cần có chế tài xử mạnh xe chở quá tải. Lực lượng công an cần xử lý nghiêm từ lái xe, đến chủ doanh nghiệp vận tải, xếp dỡ và chủ hàng vi phạm. Bốn đối tượng này liên quan đến chở quá tải. Cần thiết phải xử lý hình sự mới chặn đứng được xe chở quá tải”, ông Thanh nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng địa phương nỗ lực để kéo giảm TNGT từ 5-10% năm 2015 |
Kiến nghị xử lý hình sự xe chở quá tải trên 150%
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo nâng mức chế tài xử phạt vi phạm ATGT. Dự kiến, đầu quý IV, Bộ GTVT sẽ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 171 và 107 theo hướng tăng nặng mức xử phạt. Trong đó sẽ đề xuất xử lý hình sự đối với những hành vi chở quá tải từ 150% trở lên. Xử lý cả lái xe và doanh nghiệp vận tải. Việc này cũng đã được nhiều nước áp dụng rồi.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hiện nhiều địa phương đã thực hiện kiểm soát thông qua thiết bị giám sát hành trình rất tốt. Tuy nhiên, rất nhiều tỉnh buông lỏng, không xử lý. Ví dụ như Đắk Nông có hơn 95 nghìn lượt, Hải Phòng hơn 336 nghìn lượt, Thanh Hóa hơn 134 nghìn lượt bị phát hiện vi phạm tốc độ qua “hộp đen” nhưng cơ quan chức năng mới chỉ nhắc nhở mà không xử lý. “Nếu chúng ta không xử lý rốt ráo và quyết liệt thì nguy cơ TNGT lại tăng cao”, Bộ trưởng nói.
6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 11.179 vụ TNGT, làm chết 4.478 người, bị thương 10.149 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 1.648 vụ (-12,85%), giảm 211 người chết (-4,5%), giảm 2.114 người bị thương (-17,24%). Theo phân tích từ Cục CSGT (Bộ Công an), hành vi vi phạm trực tiếp dẫn đến TNGT: Đi không đúng phần đường, làn đường (28,65%), vi phạm quy định về tốc độ (9,4%). Phương tiện gây TNGT chủ yếu là mô tô, xe gắn máy chiếm 68,3% và ô tô chiếm 25,6%. Địa bàn xảy ra TNGT chủ yếu là khu vực ngoài đô thị (68,2%), trong đó: Trên quốc lộ (33,8%), tỉnh lộ 16,4%, đường thôn, xã 12,1%. Thời gian xảy ra TNGT là vào ban đêm (từ 18h – 24h là 34,4%) và buổi chiều (12h – 18h là 35,1%). |
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với các ý kiến đề xuất cần tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm ATGT, nhất là với các hành vi chở quá tải.
“Tôi giao cho Bộ GTVT sớm sửa Nghị định 171 và 107 để tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Cần nghiên cứu ngoài phạt tiền có thể có những hình phạt bổ sung như lao động công ích chẳng hạn…”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, số vụ TNGT 6 tháng đầu năm tuy giảm được 3 tiêu chí, nhưng số người chết do TNGT giảm vẫn chưa sâu. Vẫn còn 12 địa phương để tăng số người chết do TNGT. Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng vẫn xảy ra. TNGT đường sắt và đường thủy tăng. Nguy cơ TNGT tăng trở lại là rất lớn. “Tôi đã yêu cầu, nếu TNGT gây chết người là khởi tố điều tra ngay, gây tai nạn nghiêm trọng là đình chỉ hoạt động cả doanh nghiệp. Làm mạnh như thế mới đủ sức răn đe, để chủ doanh nghiệp vận tải nhận thấy trách nhiệm của mình trong đảm bảo ATGT. Ngay cả các trường hợp đua xe trái phép, nếu bắt được sẽ yêu cầu lao động công ích, thậm chí khởi tố ngay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành tập trung chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề năm ATGT 2015 siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; phối hợp tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm TTATGT, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm cân xe lưu động, lắp đặt trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động tại các trạm thu phí, ngăn chặn việc xếp hàng quá tải trọng từ gốc, xử lý vi phạm về kích thước thùng xe. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc triển khai quyết liệt kiểm soát tải trọng phương tiện. Chỉ đạo lực lượng CSGT mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trên phạm vi toàn quốc từ nay đến cuối năm 2015.
Theo Thiện Anh – Huy Lộc / Báo Giao thông
Bình luận (0)