Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con kiềm chế những đòi hỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Mẹ còn bận rất nhiều việc ở nhà, nhưng Tuấn vẫn không muốn rời gian hàng bán mấy thứ đồ chơi bằng điện tử trong siêu thị. Mắt Tuấn cứ dán chặt vào chiếc đồ chơi vòng xoay rất hấp dẫn… Mẹ bảo: “Đi nào” thì Tuấn cất giọng nói một cách gọn lỏn: “Mẹ…”. Rất nhẹ nhàng, mẹ Tuấn bảo: “Không được, mai mốt mẹ sẽ mua cho con…”. Tuấn phụng phịu đáp: “Không, con thích nó mà…”. Nổi giận điên người, mẹ Tuấn bước đi vội như bỏ mặc cu cậu, cậu lăn đùng ra giữa sàn siêu thị và bật khóc nức nở. Tiếng khóc to dần to dần như ai đó đang điều chỉnh volume theo yêu cầu. Thật sự xấu hổ, mẹ Tuấn đành phải ôm cu cậu và mua ngay món đồ chơi để làm cho cậu hài lòng theo kiểu chịu thua. Ứng xử trước những tình huống như trên, theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thì không thực sự khó nếu chỉ nhìn ở góc độ cho hay không cho, thỏa mãn hay không thỏa mãn. Vấn đề ở đây chính là sự ứng xử của cha mẹ như thế nào sẽ để lại những dấu ấn đặc biệt quan trọng trong tâm trí của trẻ. Trong những trường hợp như thế, dạy cho trẻ biết tiết kiệm, biết thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, hiểu được thực tế gia đình, thực tế cuộc sống là điều rất cần thiết…

Ảnh: Nguồn Internet

Trẻ con rất nhạy cảm, những lúc cần từ chối hãy thẳng thắn từ chối với trẻ. Chính lời nói rất dứt khoát của cha mẹ sẽ để lại cho trẻ khá nhiều suy nghĩ. Thái độ dứt khoát ấy thể hiện qua lời nói, thể hiện qua sắc thái cảm xúc, thể hiện thông qua những hành vi cử chỉ. Hãy tập cho trẻ nhận ra được cảm xúc của chính người lớn cũng như hãy giúp trẻ quen dần với kỹ năng nhận được lời từ chối. Trẻ sẽ thích ứng với cuộc sống và không bị hẫng hụt hay thất vọng một cách quá mức khi nhận được những lời từ chối hoặc những thất bại trong cuộc sống. Nhiều phụ huynh đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con mình biết tiết kiệm bằng những câu nói rất ấn tượng: “Mẹ biết con rất thích đồ chơi này nhưng gia đình mình nghèo, mẹ phải để dành tiền cho con đi học… Khi nào mình khá giả mẹ sẽ mua đồ chơi thật nhiều cho con…”. Một trong những biện pháp cũng có thể sử dụng để tập cho trẻ biết kiểm soát nhu cầu của mình là hãy tập cho trẻ so sánh với môi trường xung quanh. Khi trẻ nhìn thấy những bạn cùng tuổi không vòi vĩnh, sẽ phần nào làm cho trẻ ý thức cái nên hoặc chưa nên ở nhu cầu của mình, được hay không với những đòi hỏi của chính mình… Về lâu, về dài, trẻ sẽ hiểu và biết kiểm soát nhu cầu của chính mình một cách tỉnh táo…

N.PHÚC

Bình luận (0)