Hàng ngàn người dân ở các xã, thị: Vĩnh Hà, Vĩnh Ô và Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nghiêm trọng mà nguyên nhân là do nạn đào vàng cày nát thượng nguồn sông Bến Hải gây ra. Đáng lo ngại hơn, từ trước đến nay, các trường mầm non đóng trên địa bàn các xã, thị trên thường xuyên sử dụng nguồn nước này để chế biến thức ăn, đun nước uống cho các cháu. Trước tình trạng này, nhiều phụ huynh phải dùng “hạ chiêu” là “nhốt” trẻ ở nhà vì lo sợ con mình ăn, uống nguồn nước ô nhiễm rồi phát sinh bệnh tật…
Nguồn nước ô nhiễm “tấn công” trường học
Sau phản ánh của nhiều người dân ở xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh, Quảng Trị) về việc hàng ngàn người dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nghiêm trọng do nguồn nước sông Bến Hải bị nạn đào đãi vàng gây ô nhiễm, chúng tôi đã tìm hiểu về thực hư của vấn đề này. Ông Hồ Xưng, Trưởng bản Khe Hó, xã Vĩnh Hà lo lắng nói: “Bản Khe Hó có 48 hộ dân, trên 300 nhân khẩu. Thời điểm này hàng năm bà con đã phải sử dụng nguồn nước sông Bến Hải; năm nay mặc dù nắng hạn đến muộn, nguồn nước giếng (cả bản có 8 giếng nước) hiện tại có thể sử dụng thêm được một thời gian nhưng cũng sắp cạn rồi. Đến lúc đó, chắc chắn bà con sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn – không tìm ra nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước duy nhất bà con sử dụng bao đời nay đó là nước sông Bến Hải đã bị ô nhiễm rất nặng bởi các chất thải từ các mỏ đào đãi vàng”.
Chúng tôi tìm gặp được ông Mai Chiếm Quyền, Trưởng bản Bãi Hà, xã Vĩnh Hà lúc mặt trời đã xế chiều. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt sạm nắng, ông Quyền cho biết từ sáng sớm đến giờ ông đội nắng cháy, bươn bả giữa núi rừng, tìm nguồn nước sạch cho dân nhưng không tìm thấy được. “Cả vùng rừng núi, sông suối từ Vĩnh Ô về tới Vĩnh Hà đã bị “vàng tặc” làm ô nhiễm cả. Bãi Hà có 25 hộ dân, 104 nhân khẩu. Mùa nắng, gần như toàn bộ người dân ở đây phải sử dụng nước sông Bến Hải nhưng từ hơn nửa năm nay nước sông này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do nạn đào vàng. Người dân ở đây rất lo lắng về nguồn nước sinh hoạt cho thời gian tới”, ông Quyền trăn trở. Theo hướng chỉ tay của ông Quyền, chúng tôi thấy trùm lên mặt nước sông là một màu đỏ quạch, từ thượng nguồn cho tới hạ nguồn với mùi hôi hăng hắc, nồng nặc các loại hóa chất lọc vàng trộn lẫn bùn mới.
Không riêng xã Vĩnh Hà, cả thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng này. Đang cho con ăn bữa cơm chiều, một phụ huynh có con học ở Trường Mầm non Bến Quan cho biết: “Để cháu ở nhà chúng tôi cũng lo lắm. Cháu không đến lớp gia đình phải có người ở nhà chăm cháu, mất một ngày làm là thiếu cả tháng ăn. Nhưng để cháu đến trường uống nước đục ô nhiễm như thế là cha là mẹ chúng tôi rất sợ cháu bị bệnh. Vì vậy phải bấm bụng “nhốt” cháu ở nhà”.
Cô giáo Hoàng Thị Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Quan cho biết: “Mấy tháng nay, do nguồn nước máy lấy từ vùng sông Bến Hải bị đỏ đục, mùi hôi tỏa ra toàn khúc sông bởi chất xyanua nên nhiều phụ huynh không cho con em đi học nữa; lý do phụ huynh sợ con em họ ăn cơm, uống nước được lấy từ nguồn nước trên. Mà thú thật nhà trường cũng chỉ sử dụng nguồn nước máy lấy từ nguồn nước sông Bến Hải chứ biết lấy nguồn nước đâu khác”, cô Nghĩa thổ lộ.
Biện pháp “đẩy, đuổi” quá… nhẹ tay
Ông Lê Anh Lộc, Trưởng Công an xã Vĩnh Hà cho hay, đối với lực lượng chức năng xã chỉ có thể nhắc nhở, đuổi “vàng tặc” ra khỏi khu vực khai thác mà chưa có biện pháp xử lý nào. “Chúng tôi đã báo cáo, kiến nghị lên huyện để có biện pháp xử lý và xử lý mạnh tay”, ông Lộc nói. Trên thực tế, chỉ đạo của huyện Vĩnh Linh, ngành chức năng ở đây về giải quyết nạn “vàng tặc” trên đã tỏ ra… mềm mỏng hơn nhiều so với quyết tâm của xã Vĩnh Hà(!).
Ông Hồ Xưng, Trưởng bản Khe Hó, xã Vĩnh Hà cho biết: “Trước bức xúc của người dân, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương vận động “vàng tặc” ra khỏi khu vực khai thác”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các lực lượng chức năng đã có mặt dọc sông Bến Hải khu vực thượng nguồn từ vực Tiền đến ngọn Rào Quang, các khe A Nẩy, ngã ba Đầu Đạn… Tuy nhiên, sự có mặt của họ là khác thường, ít nhất là đối với một hoạt động mang tính công quyền – như hoạt động truy quét, đẩy đuổi và triệt tiêu “vàng tặc”. Ông Hồ Xưng đã đưa ra các bằng chứng để chứng minh cho sự khác thường này: “Lực lượng chia làm 2 nhóm; nhóm 5 người và nhóm 6 người, đến các điểm khai thác vàng trái phép ở thượng sông Bến Hải để thực hiện nhiệm vụ truy quét, đẩy đuổi và triệt tiêu “vàng tặc”. Thế nhưng kết quả là họ chỉ vận động “vàng tặc” ra khỏi khu vực khai thác mà không xử lý gì khác. Trong khi đó vô vàn hậu quả mà “vàng tặc” gây ra vẫn còn nguyên: sông suối, rừng, đồi hai bên bờ sông… chỗ thì bị đào bới, băm nát như bãi chiến trường; chỗ thì bị múc đất, đá từ lòng sông lên, tạo ra những quả đồi cao lừng lững…
Vĩnh Yên
Bình luận (0)