Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Học trường quốc tế, phụ huynh phải đủ sức

Tạp Chí Giáo Dục

Thay vì mệt mỏi “chạy” cho con vào các trường điểm, trường công lập, mấy năm gần đây, nhiều phụ huynh có khuynh hướng chọn trường quốc tế cho con. Nắm bắt nhu cầu này, trường quốc tế “trăm hoa đua nở”. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng đủ sức để theo.

 

Học trường quốc tế, phụ huynh cần cân nhắc khả năng tài chính.
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Hồng Thái
Hụt hơi vì học phí
Hiện nay, tuỳ theo cấp lớp, học phí được tính chung bao gồm tiền ăn, tiền bán trú ở các trường theo mô hình quốc tế (dạy tăng cường tiếng Anh) nằm trong khoảng từ 4 – 10 triệu đồng/tháng, các trường quốc tế vào khoảng 20 triệu đồng/tháng… Điểm qua mức học phí tại một số trường quốc tế hiện nay cho thấy, mức thấp nhất là 30 triệu đồng/năm, chưa kể những chi phí phát sinh thêm. Đơn cử là hệ thống trường quốc tế Á Châu, học phí từ 31 – 70 triệu đồng/năm, tuỳ theo từng cấp học. Trường quốc tế Việt – Úc từ 99 – 184 triệu đồng/năm, trường APU từ 160 – 240 triệu đồng/năm, trường quốc tế TP.HCM dạy theo chương trình tú tài IB từ 120 – 350 triệu đồng/năm, trường quốc tế dạy tiếng Anh 100% từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Chưa kể mỗi năm, học phí các lớp chênh nhau từ 20 – 40%. Muốn cho con theo đến cùng trường quốc tế thì gia đình phải có khả năng tài chính dồi dào và ổn định.
Chị Trương Thị Thanh Trang (quận Phú Nhuận) đang có con học tại trường Việt – Úc cho biết: “Học phí cũng là vấn đề mà mình đang cân nhắc. Hai vợ chồng phải tính toán tổng thu nhập mỗi tháng, chọn trường vừa sức mình và dự đoán mỗi năm con học lên lớp cao sẽ tăng trong khoảng bao nhiêu mới dám quyết định. Nếu chọn trường học phí quá cao, sợ kham không nổi, nửa đường đứt gánh!”
Thời điểm đầu năm học 2011 – 2012, hàng loạt trường quốc tế đã lên mức học phí mới. Hệ thống trường quốc tế Á Châu, học phí cho học sinh THCS từ 3,7 triệu lên 4,6 triệu đồng/tháng, bậc tiểu học từ 3,1 triệu lên 3,3 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20% so với năm học trước. Tại trường tiểu học dân lập quốc tế Việt – Úc: một học phần của lớp 1 (mỗi năm bốn học phần ) từ 15,7 triệu tăng lên 19,4 triệu đồng; lớp 2 từ 16,2 triệu tăng lên 20 triệu đồng; lớp 3 từ 16,7 triệu tăng lên 20,5 triệu đồng; lớp 4 từ 17,1 triệu tăng lên 21,2 triệu đồng; lớp 5 từ 17,6 triệu tăng lên 21,8 triệu đồng… Chị Nguyễn Thanh Hà có con học tại trường quốc tế Việt – Mỹ quận 11 tâm sự: “Tháng 5 vừa qua, tôi nhận được thông báo về việc tăng học phí. Mức học phí mới sẽ áp dụng từ học kỳ hè và tăng lên gần 1 triệu đồng. Cứ đà này, sang năm chắc sẽ còn tăng nữa. Ban đầu muốn cho con theo học để giỏi tiếng Anh, nhưng học phí tăng kiểu này, năm sau không biết còn đủ sức cho con học tiếp không”.
Theo thông tin từ sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, hàng năm có khoảng 100 hồ sơ từ các trường quốc tế xin chuyển về trường công ở quận 1, 3, 5. Tuy nhiên, phòng giáo dục ở các quận này chỉ nhận một số trường hợp học sinh có kết quả học tập xuất sắc, do hiện nay sĩ số các trường công đã quá tải.
Trước thực trạng đó, các trường quốc tế cũng tìm cách “giữ chân” phụ huynh, như: cam kết không tăng học phí đối với học sinh cũ; giảm giá đối với học sinh đăng ký sớm; miễn phí khoá học hè; mở thêm các chi nhánh mới ở nội thành… để phụ huynh thuận tiện đưa đón.
Lo sợ trẻ thành “khách lạ”
Trang bị cho con em vốn ngoại ngữ và kỹ năng để hội nhập với thế giới đang là mục tiêu của không ít phụ huynh, chỉ tiếc không ít người hiện không quan tâm đến việc cho con học tiếng Việt, lịch sử, địa lý và đạo đức. Theo bà Nguyễn Hồ Thuỵ Anh, chuyên viên tiếng Anh, phòng tiểu học, sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, vô tình nhiều bậc cha mẹ đã biến con trở thành “khách lạ” ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều trẻ vào trường quốc tế nói tiếng Anh rất lưu loát, nhưng không thể mở miệng nói ngôn ngữ mẹ đẻ quá ba câu. Chưa kể, kiến thức về xã hội của nhiều bé rất mơ hồ. Chị Nguyễn Mỹ Linh (quận 10) có con học tại trường quốc tế Á Châu tâm sự: “Thời gian đầu thấy cháu nói tiếng Anh lưu loát tôi rất vui, nhưng càng về sau thấy cách nói chuyện và cư xử của cháu bị “tây hoá”. Về nhà mở miệng ra là you, me. Trả lời người lớn thì cứ yes, no”.
Hiện nay, tại TP.HCM đang tồn tại hai loại hình mang tên trường quốc tế: trường quốc tế dạy hoàn toàn tiếng Anh, bằng chương trình nước ngoài và trường quốc tế dạy chương trình của Việt Nam có kèm thêm một số tiết tiếng Anh. Ban đầu, theo quy định, trường quốc tế dạy chương trình của nước ngoài chỉ được phép nhận học sinh người nước ngoài, nhưng mấy năm gần đây bộ Giáo dục và đào tạo cho phép nhận học sinh người Việt Nam, với điều kiện các trường quốc tế phải dạy học sinh Việt Nam các môn tiếng Việt, đạo đức (đối với lớp 1, 2, 3) và tiếng Việt, đạo đức, lịch sử – địa lý (đối với lớp 4, 5) theo chương trình của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường không thực hiện hoặc chỉ dạy qua loa, chiếu lệ, cắt bớt tiết, bỏ bớt bài…
Sự xuất hiện của các trường quốc tế đã góp phần làm đa dạng thêm các mô hình giáo dục. Tuy nhiên, các trường quốc tế khi hoạt động tại Việt Nam, ngoài việc cam kết chất lượng, cũng cần chú trọng đến vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc cho học sinh Việt Nam, để các em không bị “mất gốc” ngay trên quê hương mình.
Theo SGTT

 

Bình luận (0)