Tất cả HS của TP.HCM đều được sử dụng công nghệ thông tin phục vụ học tập. Ảnh: H.Tr |
Năm học qua, tiếp nối những thành quả đạt được, ngành GD-ĐT TP.HCM tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và luôn đứng đầu trong cả nước, được nhiều địa phương đến tham quan, học hỏi. Để ghi nhận về những thành tựu này, Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP…
PV: Xin TS cho biết những thành tựu nổi bật của ngành GD-ĐT TP.HCM đạt được trong những năm học vừa qua, đặc biệt là năm học 2010-2011?
TS. Huỳnh Công Minh: Có thể nói đối với ngành GD-ĐT TP.HCM, thành tựu rất là toàn diện và căn bản, trong đó nổi lên năm thành tựu.
Thứ nhất là cơ sở vật chất, TP.HCM đã xác định làm giáo dục dứt khoát là phải xây trường. Cụ thể là những công trình có khó khăn trước đây, bây giờ đã khởi công và đưa vào sử dụng trong năm học mới. Sĩ số học sinh (HS)/lớp ở tiểu học trước đây có khi là 50 em, thậm chí là trên 50 em bây giờ đã giảm xuống còn 40 em, đặc biệt có nhiều nơi thấp hơn 40 em. Đối với bậc trung học, đảm bảo bình quân 45 HS/lớp theo đúng điều lệ nhà trường. Đó là chưa kể ở những nơi trọng điểm giảm xuống chỉ còn 30-35 HS/lớp. Cũng cần phải nói thêm rằng, dù số lượng HS tăng nhanh do dân nhập cư đông nhưng số trường dạy 2 buổi/ngày vẫn tiếp tục được phát triển. Cách đây 3 năm, số trường dạy 2 buổi/ngày chỉ khoảng 70% nay đã tăng lên trên 90%. Cơ sở vật chất không chỉ là phòng học mà còn là điều kiện phục vụ, cụ thể như nhà thi đấu thể dục thể thao, thư viện, phòng thực hành, phòng vi tính. Tức là đã trang bị rất đầy đủ nhằm đảm bảo cho tất cả HS từ THCS đến THPT được học tin học và sử dụng công nghệ thông tin trong học tập. Đây là thành tích nổi bật, đem lại sự phát triển bền vững của ngành GD-ĐT TP…
Thứ hai là đội ngũ thầy, cô giáo. Với việc đổi mới về quản lý, phân cấp tuyển dụng cũng như phát huy vai trò chủ động phối hợp đào tạo ở các địa phương xa trung tâm thành phố đã đảm bảo được số lượng giáo viên theo yêu cầu chương trình của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó còn đảm bảo được giáo viên bộ môn năng khiếu như ngoại ngữ, tin học, thể dục, nhạc, họa… mà trước đây thiếu. Song điều nổi bật của lực lượng giáo viên thành phố là đã được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy để thực hiện phương pháp dạy học mới – phương pháp dạy học cá thể. Đây là một thành quả rất đáng tự hào. Bởi vì người thầy giáo từ việc được đào tạo để dạy số đông trước đây thì nay trên 75 ngàn giáo viên đã được bồi dưỡng bằng nhiều con đường như tập trung, bồi dưỡng tại cơ sở. Qua đó người thầy giáo của TP.HCM đã thấy được đổi mới phương pháp dạy học cá thể là tiên tiến, là hiện đại để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Thứ ba, thành tựu mà ngành GD-ĐT TP đạt được, chính là lực lượng HS. Phải nói rằng chất lượng đào tạo vẫn tiếp tục đảm bảo một cách bền vững, luôn thi đậu trong top đầu của cả nước. Tuy nhiên, điều phấn khởi hơn cả là giáo dục toàn diện, giáo dục ngoài nhà trường đã được lan rộng trong các trường. Đây là thành quả to lớn mà ngành GD-ĐT TP.HCM rất tâm đắc và tự hào. Việc nhận thức về giáo dục toàn diện đã quán triệt trong đội ngũ quản lý ở từng nhà trường. Theo đó các trường từ tiểu học đến THPT đã đưa HS ra khỏi nhà trường để thâm nhập xã hội. Trong quá trình đó HS được rèn luyện và hình thành nhân cách. Nhà trường không đơn thuần là dạy từ chương, đối phó với thi cử. Còn HS đã có bản lĩnh, tự tin, chủ động và sáng tạo hơn.
Thứ tư là lực lượng phụ huynh HS. Trong sự đổi mới và phát triển chung của nhà trường, lực lượng phụ huynh đóng một vai trò hết sức quan trọng. Phụ huynh đã quan tâm, chăm lo đến việc học tập của con em, dành thời gian cho con em nhiều hơn để có thể lắng nghe các em, trao đổi hướng dẫn và phối hợp với nhà trường cùng giáo dục HS.
Thứ năm là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể đối với sự nghiệp GD-ĐT. Một sự quan tâm xuyên suốt, hiệu quả và có chiều sâu. Chính vì thế đã góp phần đem lại những kết quả về giáo dục như đã nói ở trên.
Từ nay đến hết năm 2011, thành phố phải có 12/24 quận, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng điều này quá khó, ngược lại cũng có không ít ý kiến nói đó là việc trong tầm tay của thành phố. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của ngành GD-ĐT TP, tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?
TP.HCM rất tâm đắc về chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT. Bởi đây là một nhu cầu rất cấp bách và cần thiết, khi mà lứa tuổi mầm non bây giờ đã có những phát triển hơn lứa tuổi mầm non trước đây. Vì vậy việc phổ cập, hay nói một cách khác là chăm lo cho giáo dục mầm non là rất chính đáng. Từ nhận thức đó nên khi Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Chính phủ được triển khai, lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm và nhanh chóng phê duyệt đề án phổ cập tại TP.HCM do Sở GD-ĐT cùng các ban ngành liên quan trình bày. Và TP.HCM cũng đã đăng ký với Bộ GD-ĐT là đến năm 2012 sẽ hoàn thành phổ cập. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2011 phải có ít nhất 12/24 quận, huyện đạt phổ cập.
Phải nói rằng cái chỉ tiêu đề ra để phổ cập sớm như vậy là điều trong tầm tay. Bởi thực tế, về tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, số trẻ học 2 buổi/ngày hay như số lượng trường đều đạt yêu cầu so với chuẩn mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên, thành phố phải hoàn chỉnh về trường chuẩn quốc gia, do từ trước đến nay ngành giáo dục ít chăm chút cho vấn đề này. Hoặc bồi dưỡng chương trình mầm non mới cho giáo viên, trước nay cũng chưa chăm chút lắm. Do vậy những quận, huyện được đưa ra để phổ cập trong năm 2011 là trong tầm tay, không có khó khăn gì…
Được biết, tháng 6 này TS sẽ nghỉ hưu. Vậy trước khi nghỉ hưu, TS có chia sẻ gì cùng các đồng nghiệp?
Tôi chỉ muốn nói một điều là rất yên tâm khi nghỉ hưu. Bởi lẽ, những anh, chị, em cộng sự với tôi đã có đầy đủ tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình. Và cũng đã có những điều kiện về nhận thức, chuyên môn, quá trình cùng làm việc với nhau để xây dựng đường hướng giáo dục của TP.HCM. Những thành quả mà ngành GD-ĐT TP có được ngày hôm nay không chỉ của riêng cá nhân tôi mà là của cả tập thể nên việc tôi nghỉ chỉ là chuyện cá nhân thôi, tập thể vẫn tồn tại.
Một điều nữa mà tôi rất an tâm, đó là đội ngũ cán bộ quản lý của các phòng GD-ĐT quận, huyện cũng như cơ sở trường học ngày càng trưởng thành hơn, vững vàng hơn với đầy đủ những yếu tố về đạo đức, phẩm chất và năng lực chuyên môn. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng dù mình nghỉ thì công việc của ngành vẫn cứ tốt đẹp.
Xin cám ơn TS!
Hòa Triều (thực hiện)
“Mong rằng các bạn vẫn tiếp tục niềm đam mê với công việc, với ngành nghề, tiếp tục phát huy sự đoàn kết gắn bó để vượt khó. Bởi yêu cầu của xã hội đối với ngành giáo dục không phải đứng dừng ở đó, nếu chúng ta không tiến thì nó sẽ lùi”, TS. Huỳnh Công Minh.
|
Bình luận (0)