Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ấn Độ: Hiệu trưởng… 17 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Babar Ali đứng trước lớp học của mình

Babar Ali – một thiếu niên 17 tuổi đã mở một trường học miễn phí trên phần sân nhà của gia đình – nơi dành cho các em nghèo làng Murshidabad, bang Tây Bengal học tập.
Trường của Babar Ali gần như không có bàn học. Tuy nhiên, mỗi ngày vào buổi chiều muộn, ngôi trường được “lấp đầy” bởi hàng trăm trẻ em. Hầu hết các học sinh đều đi chân trần, áo quần dơ bẩn, rách nát. Tùy theo độ tuổi, các em ngồi thành nhóm với nhau, một số ngồi bệt xuống đất, số khác ngồi trên những chiếc ghế dài ọp ẹp. Dưới mái che tạm bợ, tất cả cùng chăm chú nhìn các giáo viên – những người chưa đến tuổi trưởng thành – đứng trên bục giảng. Và tất cả cùng… học
Tấm gương vượt khó
Bắt đầu một ngày từ rất sớm, sau khi hoàn thành các công việc trong nhà, Babar Ali đi hơn 10 cây số để đến Trường Raj Govinda, nơi Ali học tập. Trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng, Ali thường ghi chép rất cẩn thận các bài học từ giáo viên. Em là một học sinh mẫu mực.
Trong gia đình, Ali là người đầu tiên được học tập đàng hoàng. Em cho biết: “Không dễ để đi học vì nhà tôi quá xa. Nhưng thầy cô dạy tốt và tôi thích học. Đó là lý do vì sao tôi có mặt tại trường”.
Mỗi năm, gia đình phải trả khoảng 1.800 rupi (khoảng 40 USD) cho việc học của Ali. Số tiền này dùng để may đồng phục, mua sách vở và đi lại, còn học phí được miễn. Tại làng Murshidabad, 1.800 rupi tuy nhỏ nhưng không dễ kiếm. Nhiều gia đình không thể cho con đến trường chỉ vì không biết kiếm đâu ra con số ấy.
Nhận ra điều này, Ali tình nguyện chia sẻ những kiến thức được học với những người bạn trong làng của em. Ali cho biết: “Đó là một nhiệm vụ, tôi muốn xây dựng đất nước được tốt hơn. Thoạt đầu tôi chỉ làm như đóng kịch, một trò chơi. Nhưng rồi tôi nhận thấy những đứa trẻ này sẽ không bao giờ biết đọc và viết nếu không được dạy dỗ đàng hoàng”.
Từ việc mời bạn bè cùng ngồi dưới gốc một cây đa để dạy học. Bây giờ, lớp học của Ali có rất đông trẻ em nghèo đến tham gia học tập, đầu tiên từ vài chục, sau đó một vài trăm. Vào 16 giờ mỗi chiều, một hồi chuông được Ali gióng lên gọi học sinh đến trường – một ngôi trường không chính thức, và Ali giảng bài theo cách cậu được nghe các giáo viên giảng.
Hiện nay trường của Ali có 800 học sinh, tất cả đều có hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Ali không bắt học sinh phải đóng bất cứ thứ gì, ngay cả sách vở và thực phẩm cũng được miễn phí. Những thứ này, Ali có những nhà hảo tâm đóng góp, tài trợ. Và các giáo viên – hiện có 10 người, tất cả cũng giống như Ali, đều đang là học sinh trung học và tự nguyện đến với các em.
Những ước mơ, hoài bão của học trò
Chumki Hajra, 14 tuổi là một trong những người chưa bao giờ đến lớp. Em sống cùng gia đình trong một túp lều nhỏ. Mỗi ngày, từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, Hajra phải rửa chén và quét dọn cho các gia đình hàng xóm để kiếm 200 rupi (khoảng 5 USD) hàng tháng. Hajra nói: “Cha tôi là một người tàn tật và không thể làm việc. Chúng tôi cần tiền. Nếu tôi không làm việc, cả gia đình tôi sẽ không thể tồn tại”. Thế nhưng, hiện nay Hajra đã được đi học tại ngôi trường của Babar Ali. Sau mỗi buổi học, khoảng 19 giờ tối Hajra lại trở về để tiếp tục với công việc lau chùi, dọn rửa. Ước mơ của Hajra là trở thành cô y tá. Và lớp học của Ali đang góp phần biến ước mơ nhỏ nhoi này thành hiện thực.
Còn Inzamul Haq, 13 tuổi cũng có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi sáng, em phải đi chăn gia súc để kiếm 44 cent/ ngày. Haq cho biết: “Chăn gia súc không phải là công việc xấu. Nhưng tôi muốn kinh doanh”. Và bây giờ, được Ali thuyết phục, Haq đều dành thời gian để đến với lớp học mỗi chiều.
Ngôi trường của Babar Ali đã được các nhà chức trách địa phương công nhận, bởi đã giúp tăng tỷ lệ người biết chữ cho khu vực. Các học sinh của Ali, nhỏ nhất chừng 4 tuổi cùng chen chúc trong một không gian bé xíu, với ánh sáng leo lét của hai ngọn đèn tròn. Nhưng tất cả đều có những hoài bão, ước mơ về tương lai. Trong khi đó, gia đình Babar Ali hiện sống trong căn nhà nhỏ, có duy nhất một phòng ngủ – nơi Ali, cha mẹ cùng 3 anh chị em chia sẻ với nhau. Nhà vệ sinh là một cái lỗ được đào dưới lòng đất, và nhà bếp là một lò đất được dựng ngoài trời.n
(Theo The CS.Monitor)
Ngân Du

Bình luận (0)