TS. Virginia Pauline Rojas đang nói chuyện với một nhóm phụ huynh và khách mời tại Trường Quốc tế Shrewsbury, Bangkok |
Tiến sĩ Virginia Pauline Rojas nói chuyện giáo dục tại Trường Quốc tế Shrewsbury, Bangkok, Thái Lan về việc phụ huynh làm thế nào để có thể giúp con em mình trở thành người giỏi song ngữ.
Các phụ huynh ở Thái Lan đưa con theo học trường quốc tế và nghĩ rằng như vậy sẽ có thể khiến con em họ thông thạo cả hai thứ tiếng – Anh và Thái – nên suy nghĩ lại thật kỹ.
“Khi các bậc phụ huynh ghi tên con em mình tại trường chuyên nói tiếng Anh, họ có muốn con em mình chỉ nói tiếng Anh, hay muốn chúng vừa có thể nói tiếng Anh, vừa tiếng Thái?” TS. Virginia Pauline Rojas đặt câu hỏi với các bậc phụ huynh tại Trường Quốc tế Shrewsbury (SHB), trong một hội thảo chuyên đề mới đây.
Đây là một câu hỏi quan trọng mà các bậc phụ huynh cần cân nhắc khi cho con em đến một trường chuyên học tiếng Anh, như trường quốc tế.
TS. Rojas là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về song ngữ và làm cách nào để học giỏi ngôn ngữ thứ hai. Bà đã thăm nhiều trường quốc tế tại Thái Lan và nhiều nước khác. Ở Thái Lan, bà đã hướng dẫn nhiều buổi mạn đàm và hội thảo chuyên đề ở Trường Patana Bangkok, Trường Quốc tế Bangkok, Trường Quốc tế Mới Thái Lan và Trường Quốc tế Ruamrudee.
Tiếng Anh và tiếng Thái
Những đứa trẻ mà cha mẹ cho chúng theo học trường quốc tế ở độ tuổi còn nhỏ có thể thông thạo tiếng Anh hơn tiếng Thái, nhất là trong những bài viết. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh và thầy cô giáo phải biết làm cách nào để giúp các em cuối cùng giỏi cả tiếng Anh và Thái, không chỉ trong các kỹ thuật chuyên môn như nói và nghe, mà cả trong đọc và viết.
Theo TS. Rojas, các bậc phụ huynh muốn con em mình giỏi song ngữ phải thực sự gắn bó với chúng. Các trường quốc tế có trách nhiệm dạy tiếng Anh cho bọn trẻ, trong khi cha mẹ phải lo việc dạy tiếng Thái. Bà nói, chương trình dạy tiếng Thái trong các trường song ngữ là không đủ.
TS. Rojas giải thích: “Các bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ tại sao con em mình lại theo học ở một trường quốc tế. Không có nhiều cha mẹ nào nghĩ về điều này. Họ chỉ cho con em mình đến đây vì cho con em học trường quốc tế là danh giá. Họ phải biết rõ từ sâu thẳm trong lòng rằng con em họ đang khác đi, ví dụ, chúng viết tiếng Thái sẽ không hoàn hảo”.
Do đó, phụ huynh phải luôn sử dụng tiếng Thái ở nhà, không chỉ nói, mà “phụ huynh cần đọc và viết tiếng Thái với con em mình nữa. Họ cần phải hiểu rằng họ có nhiệm vụ giúp con em mình giỏi song ngữ”.
Cách để hoàn hảo tiếng Anh
Trong hầu hết các trường quốc tế, giáo viên yêu cầu học sinh chỉ dùng tiếng Anh để nói chuyện. Và tại một số trường, học sinh không được phép nói với nhau bằng tiếng Thái trong khuôn viên trường. Điều này tạo môi trường thuận lợi giúp các em nói tốt tiếng Anh. Tuy nhiên, theo TS. Rojas, điều đó có thể không hẳn là khôn ngoan.
Bà nói: “May mắn hoặc không may, nhiều giáo viên trong các trường quốc tế không phải là người giỏi song ngữ, nên họ không thấy nơi này (môi trường trường học quốc tế) như một nơi để phát triển song ngữ. (Với họ) học sinh buộc chỉ phải dùng tiếng Anh, tiếng Anh và tiếng Anh. Không phải các giáo viên muốn học sinh của mình quên tiếng Thái, nhưng họ không hiểu rằng cả hai ngôn ngữ đều liên quan đến tiến trình giúp cho học sinh giỏi song ngữ”.
TS. Rojas giải thích tiếp: “Hầu hết phụ huynh và hầu hết các trường làm vậy bởi họ nghĩ trẻ em sẽ sử dụng ngôn ngữ riêng của mình để tránh bớt học tiếng Anh, nhưng không phải vậy. Một học sinh song ngữ sử dụng cả hai ngôn ngữ. Đó mới đúng là người giỏi song ngữ”.
Bà nêu ví dụ, tại một ngôi trường đặc biệt ở Hàn Quốc, tất cả học sinh được yêu cầu lúc nào cũng phải nói tiếng Anh và ai không tuân thủ sẽ bị phạt.
“Tôi quan sát mọi trẻ, khi có mặt thầy giáo dạy tiếng Anh, bọn trẻ đều chào nhau “Hello. How are you?”, nhưng thầy vừa khuất bóng, chúng lập tức quay lại dùng tiếng Hàn Quốc để nói chuyện thoải mái. Các em trò chuyện vụng trộm. Cứ làm như chơi trốn bắt”.
Và bà đặt câu hỏi: “Phải chăng như vậy là chúng ta dạy các em chơi trò vụng trộm? Và điều tệ nhất là, khi học sinh tại các trường quốc tế Hàn Quốc lên học trung học, các em phản đối chuyện bắt nói tiếng Anh. Các em nổi giận với qui định áp đặt lên các em”.
Khi trẻ không hiểu tại sao có qui định và nghĩ rằng qui định đó giống như sự trừng phạt, chúng có khuynh hướng chống lại điều mà bạn muốn chúng thực hiện, theo TS. Rojas.
Bà nói thêm: “Chúng ta phải giúp các em hiểu rằng tại sao các em lại ở trong ngôi trường như vầy, tại sao chúng ta muốn các em sử dụng tiếng Anh, và các em sẽ làm gì với vốn tiếng Anh, như vô đại học hoặc sinh sống ở nước ngoài”.
(Theo Learning Post)
Quang Hùng
Bình luận (0)