Sự kiện giáo dụcTin tức

100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Tuyên dương 300 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng chí Lê Thanh Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM) trao tặng phần thưởng cho những đoàn viên thanh niên đạt thành tích xuất sắc
Sáng 5-6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM (đường Nguyễn Tất Thành, Q.4), Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2011).
Buổi lễ Mitting đã tái hiện lại quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Cách đây tròn một thế kỷ, ngày 5-6-1911, từ bến cảng Sài Gòn, trên con tàu mang tên L’Amiral Latouche Tréville, người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Văn Ba với lòng yêu nước nhiệt thành, tình thương dân vô hạn, ý chí cứu nước mãnh liệt đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ. Sau ba thập kỷ, bôn ba qua bốn châu lục, gần 30 nước trên thế giới, lao động, học tập, tham gia hoạt động trong các tổ chức, phong trào cách mạng của thế giới, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
20 giờ ngày 5-6-2011, TP.HCM phối hợp với các địa phương: Hà Nội, Cao Bằng, Nghệ An và Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình mang tên “Hồ Chí Minh – Cuộc hành trình của thời đại”. Đây là cầu truyền hình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được kết nối giữa năm địa phương với những địa danh lịch sử, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điểm cầu truyền hình TP.HCM tái hiện bối cảnh đất nước đầu thế kỷ 20 cùng hình ảnh nhân dân Việt Nam lầm than với số phận khổ nhục của người dân thuộc địa Đông Dương; hình ảnh người dân đứng lên chống xâm lược, các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh cuối cùng đều bị đàn áp đẫm máu… sẽ một lần nữa khẳng định việc ra đi tìm đường cứu nước của Bác tại thời điểm đó là hết sức cấp thiết và đúng đắn. Tư tưởng về độc lập dân tộc của Người mãi mãi là kim chỉ nam để cho tất cả chúng ta noi theo.
Điểm cầu truyền hình Hà Nội, trong khuôn viên Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Thủ đô Hà Nội, trái tim của đất nước, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời của Người. Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh. Và Hà Nội còn là nơi Bác yên nghỉ, nơi vọng tưởng thiêng liêng của nhân dân Việt Nam và thế giới về người anh hùng của thời đại.
Nơi sinh ra con người vĩ đại ấy – Nghệ An – là điểm cầu gắn liền với những gì thân thương và gần gũi nhất về Bác Hồ thời niên thiếu: ngôi nhà sàn giản dị thanh tao, đôi dép cao su mộc mạc…
Điểm cầu truyền hình Nghệ An tái hiện lại giai đoạn lịch sử khi Bác rời Nghệ An đi Phan Thiết. Chính từ quê hương của Người sẽ vang lên những giai điệu thân thương và đầy ắp tình cảm khi nhắc đến Bác Hồ như Từ làng Sen, Người về thăm quê, Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, Vinh quang hồn dân tộc
Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, hoạt động và lãnh đạo cách mạng từ nước ngoài, cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng và Người đã chọn Cao Bằng – nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa – để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Và Pắc Bó – Cao Bằng vinh dự trở thành căn cứ địa đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Cầu truyền hình Cao Bằng là sự tái hiện những tháng ngày cách mạng gian khó nhưng hào hùng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Đồng Tháp – đại diện cho mảnh đất Nam Bộ thành đồng – nơi an nghỉ của cụ Phó bản Nguyễn Sinh Sắc – một nhà nho yêu nước.
Nhà nho yêu nước ấy đã sinh ra và truyền thụ lòng yêu nước cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ thuở niên thiếu. Đầu cầu truyền hình Đồng Tháp khắc họa tình cảm của những người con miền Nam thành đồng Tổ quốc đi trước về sau dành cho vị cha già dân tộc kính yêu và miền Nam luôn ở trong trái tim Người qua những câu chuyện và lời kể xúc động của những nhân vật khách mời.
* Trong hai ngày 4 và 5-6, Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của 300 đại biểu thuộc 68 tỉnh – thành đoàn và Đoàn trực thuộc trong cả nước. Các đại biểu đã tham gia nhiều hoạt động như: dâng hương, báo công tại tượng đài Bác Hồ; diễn đàn “Lời Bác thắp sáng ước mơ”, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” tại bốn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An; trao tặng 300 xe đạp, 60 nhà nhân ái và 5.000 đơn vị máu cho các nhà mở, hộ nghèo…
Đồng chí Lê Thanh Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM) đã bày tỏ niềm vui mừng được tham dự đại hội và đánh giá cao những kết quả mà các cấp bộ Đoàn đã nỗ lực đạt được trong 5 năm qua. Đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh, cuộc vận động tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, bảo vệ quan điểm đường lối cách mạng của Đảng. Cuộc vận động đã tạo ra những chuyển biến về chất trong hành động cụ thể của mỗi đoàn viên thực hiện các phong trào Năm xung kích phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc và 4 đồng hành để thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Nhóm PV

Bình luận (0)