Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3 là một trong những trường có nhiều phụ huynh muốn xin cho con học (Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3)
|
Mặc dù vẫn còn nhiều quận, huyện chưa công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2011-2012 nhưng những ngày này khá đông phụ huynh đang chạy đôn, chạy đáo để tìm cho con một chỗ học ưng ý. Và “nóng” nhất vẫn là “chạy” vào lớp 1.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 thừa nhận: “Thời gian gần đây, ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại, email của phụ huynh hỏi về công tác tuyển sinh. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết trả lời Phòng GD-ĐT chưa công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp”.
“Chạy” hộ khẩu: Xưa rồi…
Chiều 3-6, trong vai một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, tôi tìm đến Trường Tiểu học Bàu Sen, Q.5. Tại đây, tôi gặp một vài phụ huynh đang lúi húi đọc bảng thông báo tuyển sinh lớp 1 trước cổng trường. Theo đó, năm nay Trường Tiểu học Bàu Sen chỉ nhận 210 học sinh lớp 1. Điều kiện để trở thành học sinh của trường là có hộ khẩu hoặc KT3 từ tháng 12-2010 trở về trước tại P.3, Q.5 và được UBND phường lập danh sách đề nghị trường xét tuyển. Ngoài ra, trường còn nhận 60 trẻ có hộ khẩu tại P.4, 50 trẻ có hộ khẩu tại P.2 được UBND 2 phường này lập danh sách đề nghị trường xét tuyển. Trong trường hợp số học sinh xin nhập học cao hơn chỉ tiêu kế hoạch, Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ xét theo ưu tiên năm tháng chuyển hộ khẩu – nhập trước xét trước, nhập sau xét cho đến đủ số lượng.
Chị Huyền Thanh (P.6, Q.5) lo lắng: “Theo phân tuyến thì con tôi học ở Trường Tiểu học Chương Dương, trường có tới hai cơ sở nên tôi không muốn con học ở đây. Do vậy, cuối tháng 12-2010 tôi đã nhập hộ khẩu cho bé vào một hộ gia đình ở P.3. Cứ tưởng như vậy là chắc chắn bé được học ở Trường Tiểu học Bàu Sen nhưng xem ra không dễ chút nào”.
Nghe chị Huyền Thanh than phiền, một chị phụ huynh đứng bên cạnh tiết lộ: “Chạy” hộ khẩu bây giờ xưa rồi, phải “chạy” mấy sếp lớn. Sếp lớn “dí” xuống các sếp nhỏ, sếp nhỏ “dí” xuống trường, trường nào mà không dám nhận…”.
Quả đúng vậy. “Chạy” hộ khẩu bây giờ phiêu lắm, 5 ăn – 5 thua. Đơn cử như trường hợp của chị Mai Phương (P.Tân Phong, Q.7). Đúng tuyến thì con chị học ở Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Q.7 nhưng chị muốn con học ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1. Theo đó, chị đã nhập khẩu cho con vào gia đình một đồng nghiệp tại P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Nhưng khi nhận được giấy gọi vào lớp 1 của UBND P.Nguyễn Cư Trinh thì chị mới hay con mình học ở Trường Tiểu học Phan Văn Trị – một trong những trường top dưới ở Q.1. “Năm nay bé lên lớp 2, tôi tính sẽ xin cho bé về học ở Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Q.7. Bây giờ tôi đã thấm thía việc “chạy” trường, mất tiền, mất thời gian mà không được như ý mình…”.
Không nhận học sinh trái tuyến: Nói không đi đôi với làm
Mấy năm trước đây, khi ngành GD-ĐT TP chưa gắt gao trong việc tuyển sinh trái tuyến nên đã xảy ra tình trạng Q.1, Q.3, Q.5 có tới 30-50% học sinh ngoài quận. Năm sáu năm trở lại đây, khi UBND TP ra “chỉ thị” không nhận học sinh trái tuyến ngoài quận, huyện, tình trạng này có giảm nhưng không đáng kể. Thực tế, nhiều học sinh nhà ở Q.Bình Thạnh, Thủ Đức vẫn học ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm – Q.1, nhà ở Q.Tân Bình nhưng lại học ở Trường Tiểu học Lương Định Của, Nguyễn Thái Sơn – Q.3, hoặc có những trường hợp nhà ở Q.8 nhưng học ở Trường Tiểu học Bàu Sen, Minh Đạo – Q.5…
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở một quận trung tâm bức xúc: “Mặc dù thành phố cấm không cho nhận học sinh trái tuyến ngoài quận, huyện. Song, năm nào ở quận tôi cũng nhận được 20-30 học sinh trái tuyến ngoài quận do cấp trên gửi gắm. Với những trường hợp này, làm sao các trường dám không nhận. Bởi vậy, năm ngoái trường tôi chỉ đủ chỗ nhận sáu lớp 1 nhưng cuối cùng phải “nở” thêm một lớp và sĩ số tăng từ 40 em/lớp lên 49, 50 em/lớp. Cá biệt có lớp lên tới 52, 53 học sinh”.
Sau sự cố một hộ gia đình ở P.Đa Kao có tới 6-7 đứa trẻ vào lớp 1, từ năm học 2009-2010, Phòng GD-ĐT Q.1 đã tuyển sinh theo phương thức ưu tiên trẻ có hộ khẩu lâu năm trên địa bàn. Sau đó, một số quận trung tâm cũng học tập theo. Vì vậy mùa tuyển sinh năm nay nhập hộ khẩu không còn giá trị trong việc “chạy” trường mà thay vào đó là những chiêu thức mới. Trong đó phải kể đến chiêu thức chuyển trường.
Anh Bùi Xuân Trường, Q.Bình Thạnh cho biết: “Năm nay con trai tôi vào lớp 1, tôi muốn bé học ở Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, Q.3. Tuy nhiên nếu xin ngay từ đầu năm học thì rất khó, một “cò” hướng dẫn tôi cho bé học ở trường quốc tế trên địa bàn Q.3 khoảng một năm, hoặc một học kỳ sau đó sẽ chuyển về Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo. Xin học từ Q.Bình Thạnh sang Q.3 thì khó, chứ chuyển từ trường dân lập sang công lập mà cùng địa bàn quận thì dễ”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)