Hội nhậpGiáo dục phát triển

ThS. Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng: Thật may mắn vì trước đây tôi không thi đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Kí kết hợp tác đào tạo điều dưỡng với đối tác nước ngoài

“Thừa thầy – thiếu thợ” vẫn luôn là một thực trạng nhức nhối của xã hội Việt Nam trong những năm gần đây. Cũng chính vì tâm lí chuộng đại học (ĐH) mà không ít sinh viên sau khi ra trường lâm vào tình trạng cao không tới, thấp không thông, khó tìm được việc làm phù hợp dù có trong tay tấm bằng ĐH. Trong khi đó, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, nhiều doanh nghiệp vẫn mỏi mắt tìm kiếm lao động có tay nghề.
Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ThS. Đặng Văn Sáng – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng – xung quanh vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.
PV: Thưa thầy, được biết trước khi gắn bó với giáo dục, thầy là một quân nhân. Thầy có thể cho biết đôi nét về tuổi thơ, cuộc đời và sự nghiệp của mình?
ThS. Đặng Văn Sáng: Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc ngoại ô Hà Nội (Đông Hội, Đông Anh). Sau khi học xong THPT, các bạn của tôi thì tất bật với việc ôn thi ĐH (có nhiều bạn phải thi đến năm thứ 2 mới đậu), còn tôi vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, học xong THPT là đã cố gắng lắm, làm sao dám mơ ước thi ĐH như các bạn. Tôi quyết định làm đơn xung phong đi bộ đội. Sau 4 năm phục vụ trong quân đội, tôi được xuất ngũ và vào TP.HCM. Năm 1993, tôi vừa phải đi làm những công việc tạm thời lúc thì phụ hồ, khi thì tài xế vừa theo học trung cấp kế toán (hệ tại chức) tại Trường Trung học Tài chính – Kế toán IV (nay là Trường CĐ Tài chính Hải quan). Sau khi học xong bậc trung cấp, tôi nhận làm dịch vụ kế toán cho nhiều doanh nghiệp cùng một lúc…
Được biết một lần tham gia tư vấn cho các em học sinh thầy đã nói “thật may mắn vì trước đây tôi không thi ĐH”. Vì sao thầy lại nói như vậy?
– Mỗi người có một con đường đi riêng cho mình. “Thật may mắn vì trước đây tôi đã không thi ĐH”. Bởi lẽ, như tôi đã nói là tôi sinh ra ở vùng quê nghèo, gia đình đông anh em, nếu tôi mà đậu ĐH thì tiền đâu để đi học 4 năm? Nếu ngày đó mà học ĐH có lẽ giờ này chưa chắc tôi đã học xong một chương trình ĐH chứ đừng nói tới việc học cao hơn. Nhờ việc học trung cấp mà chỉ sau 2 năm tôi đã có một việc làm ổn định với mức thu nhập đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, ít nhất là tôi không phải phụ thuộc kinh tế gia đình, công việc ổn định và nhàn hơn. Sau khi có được việc làm và thu nhập ổn định, bằng cách vừa học vừa làm, hiện nay tôi đã có được 2 tấm bằng ĐH chuyên ngành quản trị kinh doanh – ngoại thương và chuyên ngành kế toán – kiểm toán do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cấp, 1 bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp, hiện đang là nghiên cứu sinh và là tác giả, đồng tác giả của nhiều quyển sách chuyên ngành như: Hướng dẫn thực hành lập sổ sách kế toán, Báo cáo tài chính, báo cáo thuế giá trị gia tăng theo phương pháp thủ công; Thực hành lập sổ sách kế toán, Báo cáo tài chính; Báo cáo thuế giá trị gia tăng trên Excel; Hướng dẫn viết phần mềm kế toán trên Access… Qua kinh nghiệm cuộc đời, tôi rút ra bài học là mỗi chúng ta chỉ cần có hoài bão và ý chí thì chắc chắn sẽ thành công kể cả con đường học tập và trong cuộc sống.
Là một người thành công từ tấm bằng trung cấp, thầy có lời khuyên nào cho các em học sinh THCS, THPT và trung cấp?
Không phải tất cả mọi người học ĐH xong thì đều thành công. Các em học sinh cần biết rõ về bản thân mình (năng khiếu, khả năng, điều kiện gia đình…) để có quyết định phù hợp. Chỉ cần các em có chí, ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ bằng tất cả ý chí, nghị lực của mình, dù có xuất phát từ học TCCN hay trường nghề, các em sẽ thành công. ĐH là một con đường để các em có thể chạm tay tới đỉnh vinh quang của thành công nhưng không phải là con đường duy nhất.
Khi đi dạy học, tôi thấy nhiều em học sinh luôn mặc cảm và hỏi tôi: “Tụi em học trung cấp xong làm sao xin được việc làm?”. Tôi bảo: “Nếu tôi kể người này người kia ở đâu đó có lẽ các em không tin. Nhưng bản thân tôi xuất phát điểm thấp hơn các em vì chỉ học trung cấp hệ tại chức, vậy mà tôi vẫn có thể gặt hái thành quả. Đâu phải cứ học ĐH mới xin được việc làm và thành công. Tôi cho rằng, việc học tập là do bản thân mỗi người quyết định, quan trọng là có ý chí và sự tự giác hay không”.
Trường Trung cấp Ánh Sáng là đứa con tinh thần mà thầy đã dành nhiều thời gian, công sức để nuôi nấng. Vậy thầy có thể cho biết đôi nét về những thành quả mà trường đã đạt được và định hướng của trường trong thời gian tới?
– Trường Trung cấp Ánh Sáng được thành lập năm 2007. Hiện tại trường đã được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo 9 chuyên ngành, bao gồm: Dược sĩ, điều dưỡng, kế toán, kiểm toán, thuế, ngân hàng, CNTT, quản lý đất đai, trắc địa – địa hình – địa chính và đã có 4 khóa sinh viên ra trường. Các sinh viên ra trường đều xin được việc làm phù hợp với ngành nghề đã học và được doanh nghiệp đánh giá khá cao về chuyên môn. Nhiều em chỉ sau một năm làm việc đã được bổ nhiệm làm kế toán tổng hợp, trưởng phòng kỹ thuật như em Nguyễn Thị Thu Bích (lớp kế toán – khóa 1) hiện nay làm kế toán tổng hợp tại Công ty TNHH Hải Kim, em Ngô Thị Kim Trúc (lớp kế toán – khóa 2) hiện nay làm kế toán tổng hợp Công ty CP Nam Hải, em Nguyễn Đức Hùng (lớp CNTT – khóa 1) hiện là trưởng phòng kỹ thuật Công ty Truyền thông Phương Nam. Nhiều em khi xin việc đã xuất sắc vượt trên hàng trăm ứng cử viên khác để được vào làm những nơi danh tiếng, như em Nguyễn Thị Minh Thơ (lớp điều dưỡng – khóa 3) hiện nay đang làm điều dưỡng tại Bệnh viện TW Thống Nhất, em Tống Thị Như Quỳnh, Trần Thị Ngọc Trang (lớp dược – khóa 3) hiện nay đang làm tại Công ty Dược ROUSSEL Việt Nam… Cơ sở vật chất nhà trường không ngừng được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của sinh viên. Tất cả các phòng học đều được trang bị máy lạnh, máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và các hoạt động phong trào. Sinh viên học tại trường vừa được học vừa được vui chơi thỏa thích. Trong thời gian tới, trường tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị tiên tiến, xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng, nhà trường cũng nghiên cứu mở rộng ngành nghề đào tạo phục vụ cho nhu cầu của xã hội.
Thưa thầy, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng các trường được đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ, ĐH thì có lợi thế hơn trong việc tuyển sinh TCCN. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?
– Trước mắt, các trường đào tạo liên thông thì vẫn là yếu tố để thu hút thí sinh vào học TCCN. Nhưng về lâu dài, tôi không cho rằng học liên thông là yếu tố quan trọng để thu hút thí sinh mà quan trọng là chất lượng đào tạo của chính bậc học trung cấp gắn liền với việc làm và thu nhập. Đây chính là yếu tố lâu dài, bền vững để phụ huynh và học sinh nghĩ tới khi lựa chọn học TCCN.
Trước đây, tôi cũng từng có ý nghĩ phải tìm một vài đối tác để liên kết đào tạo liên thông bậc CĐ, ĐH tạo đầu ra cho học sinh. Nhưng hiện nay, nhờ vào chất lượng thực sự cũng như sự thành công của các khóa đã ra trường, tình hình tuyển sinh của trường cũng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Vì vậy, việc tập trung chăm lo cho chất lượng đào tạo của trường mới là quan trọng. Qua khảo sát thực tế trong quá trình tuyển sinh của trường cho thấy, đa phần các sinh viên được hỏi đều quan tâm tới chất lượng đào tạo và việc làm hơn, và có rất ít sinh viên quan tâm tới việc có đào tạo liên thông tại trường hay không. Tôi rất mong quý vị phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh xóa bỏ suy nghĩ là phải chọn trường có đào tạo liên thông để học TCCN thì sau này mới được học liên thông vì việc học liên thông rất thuận tiện. Sau khi tốt nghiệp TCCN, có trong tay một nghề các em cứ đi làm trước, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ hoặc chí ít cũng tự lo cho bản thân để không còn phụ thuộc, sau đó hãy đăng ký thi liên thông ở bất kỳ trường CĐ, ĐH nào trên toàn quốc.
 Xin cám ơn thầy!
T.Anh (thực hiện)

Bình luận (0)