Bộ GD-ĐT đã chính thức thông báo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021. Tuy nhiên, theo dự báo của đại diện nhiều trường ĐH, tuyển sinh tiếp tục có thay đổi theo xu hướng kết hợp các tiêu chí xét tuyển .
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021. NGỌC DƯƠNG
Cùng với việc công bố phương án thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả kỳ thi này làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Sau đó, các trường cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng đầu vào. Các ĐH quốc gia, ĐH vùng và nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực làm căn cứ xét tuyển và chia sẻ, hỗ trợ trường khác có nhu cầu.
Kết hợp nhiều tiêu chí
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khuyến cáo này của bộ là hợp lý, theo đúng xu hướng tuyển sinh những năm gần đây. Những năm trước các trường chủ yếu chỉ sử dụng dựa vào kết quả kỳ thi chung do bộ tổ chức, sau đó dần bổ sung nhiều phương thức riêng khác.
Ngành tỷ lệ chọi cao không dựa vào kỳ thi tốt nghiệp PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Năm tới, những ngành có tỷ lệ chọi cao sẽ tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực, vì nếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là sẽ rất khó khăn. Ngành nào điểm chuẩn vừa vừa thì vẫn sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT”. Như vậy, ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sẽ có 2 đợt tuyển sinh. Đợt 1 dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và một số phương thức khác để tuyển sinh các ngành tài năng, chất lượng cao, ngành năng khiếu, ngành có điểm đầu vào cao, ngành nhiều cạnh tranh, hoặc với các chỉ tiêu có học bổng… Mục tiêu là tuyển sinh được những thí sinh có năng lực phù hợp với khung năng lực ngành nghề. Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ là điều kiện đủ để thí sinh nhập học. Đợt 2 tuyển sinh chung cùng với các trường khác theo đợt tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT) cho các ngành và chỉ tiêu còn lại. Theo PGS Hải, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã bàn tới việc có thể tăng thêm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để đáp ứng yêu cầu riêng của một số trường ngay trong ĐH Quốc gia Hà Nội và những trường ngoài như khối an ninh, quân đội, khối y dược. |
“Đặc biệt trong năm 2021, bên cạnh việc sử dụng đa phương thức, xu hướng mới thấy rõ ở nhiều trường là việc sử dụng kết hợp các tiêu chí trong cùng một phương thức xét tuyển”, ông Quốc nhấn mạnh.
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, xu hướng tuyển sinh ĐH trong năm 2022 có thể vẫn theo 3 nhóm chính. Thứ nhất, các ngành đặc thù các trường vẫn buộc tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá (ví dụ thi năng khiếu). Thứ hai, những ngành nghề không quá đặc thù và không có mức độ cạnh tranh cao, vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển độc lập như: dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập phổ thông… Thứ ba là nhóm các ngành, các trường sử dụng kết hợp các tiêu chí khác nhau để có mức độ sàng lọc đầu vào cao hơn. Ví dụ, phương thức xét tuyển kết hợp điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.
“Nhóm thứ 3 kết hợp các tiêu chí khác nhau trong cùng một phương thức sẽ là xu hướng được các trường lựa chọn nhiều trong những năm tới để xét tuyển những trường, ngành có nhiều thí sinh quan tâm. Với các xu hướng này, quan trọng nhất với thí sinh vẫn là quá trình tích lũy tốt kiến thức bậc học phổ thông. Ngoài ra, tham khảo thêm cách đánh giá riêng của các trường để có sự chuẩn bị tốt hơn khi tham gia xét tuyển”, thạc sĩ Quốc khuyên.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP.HCM. ĐỘC LẬP
Thêm hình thức chọn lọc bổ sung để phân loại
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng là trường ĐH kết hợp đồng thời các tiêu chí khác nhau trong xét tuyển 2 năm qua. Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng trường này, cho rằng trong năm 2022 và các năm tới, trường vẫn dự kiến tuyển sinh theo xu hướng này. Trong đó, kết quả quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT là cơ sở đánh giá nền tảng. Sau đó, trường kết hợp thêm các tiêu chí đánh giá khác theo định hướng đào tạo của trường, chẳng hạn chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Yêu cầu các trường đại học liên kết xét tuyển chung Ngày 6.10, Bộ GD-ĐT đã gửi hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 tới các cơ sở đào tạo ĐH, các trường cao đẳng sư phạm. Một trong 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể mà Bộ yêu cầu các trường thực hiện là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ sinh viên. Theo đó, năm học này, các trường ĐH cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai lộ trình đổi mới tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường chủ động liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh. Các trường cũng cần hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh phù hợp với thực tiễn, công khai, minh bạch. Chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. |
GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng đồng tình với khuyến cáo của Bộ GD-ĐT về việc cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn với các trường, ngành có mức độ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, muốn thực hiện được khuyến cáo trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được triển khai sớm để các trường có thời gian làm các bước tiếp theo của xét tuyển.
Ông Tuấn cho biết hiện nay trường chưa bàn tính tới phương án tuyển sinh năm tới. Tuy nhiên, trước đó trong đề án tuyển sinh năm 2021, Trường ĐH Y Dược TP.HCM thông báo dự kiến xem xét sử dụng kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) vào kỳ xét tuyển ĐH hệ chính quy năm 2022.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng học bạ. ĐÀO NGỌC THẠCH
Xây dựng hệ thống đánh giá riêng
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhìn chung việc tuyển sinh của các trường ĐH chỉ cần giải quyết 2 vấn đề: tuyển đủ chỉ tiêu và tuyển sinh đảm bảo chất lượng. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thế nào, với các trường này điều đó không quan trọng. Còn với trường tốp trên và một số ngành “hot” của trường tốp giữa thì phải hài hòa 2 vấn đề.
“Khi bàn về tuyển sinh cho năm 2022 và những năm tới, quan điểm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và nhiều trường khác đều nhất quán là phải giữ được quyền lợi cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng. Vì vậy, các trường ĐH tốp trên và nhiều chương trình đào tạo của trường tốp giữa đều mong muốn tạo được một căn cứ tốt như kỳ thi “3 chung”, đồng thời duy trì được cách xét tuyển cho phép thí sinh được thoải mái đăng ký nguyện vọng”, PGS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.
PGS Điền cũng cho biết Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xây dựng một hệ thống đánh giá riêng, cụ thể là tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, để làm căn cứ lựa chọn thí sinh. Dự kiến trường sẽ tổ chức kỳ thi này nhiều lần trong năm, sẽ khai giảng khóa mới 2 lần trong năm, vào học kỳ mùa thu và học kỳ mùa xuân giống như thông lệ quốc tế.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ cho phép các trường khác dùng chung kết quả kỳ thi, trước hết là các trường kỹ thuật công nghệ, hoặc những trường nguồn tuyển dựa vào thí sinh dự thi các môn khoa học tự nhiên (gồm toán, lý, hóa, sinh), tiếng Anh, tiếng Việt.
Theo Hà Ánh – Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)