Sự kiện giáo dụcTin tức

Hai dịch bệnh lây nhiễm hoành hành: Đã có 14 trẻ em tử vong

Tạp Chí Giáo Dục

Các bệnh nhi mắc bệnh TCM đang điều trị tại Phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1
Sáng 8-6, Sở Y tế TP.HCM đã có buổi giao ban về công tác phòng chống dịch bệnh với các quận, huyện. Theo đó, thành phố cùng lúc bị hai dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết “tấn công”…
Tay chân miệng chưa dứt, sốt xuất huyết hoành hành
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó khoa Chăm sóc và kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, 5 tháng đầu năm 2011, toàn thành phố có 2.800 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng gấp 337% so với cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, chỉ riêng tháng 5 là 1.433 ca, chiếm 51,2% tổng số ca mắc từ đầu năm 2011 đến nay, tăng 224% so với tháng 4 (tháng 4 có 640 ca). Điều đáng báo động là số ca tử vong đã tăng đến mức chóng mặt. Từ đầu năm đến nay có tổng cộng 13 ca tử vong, trong đó tháng 5 có đến 7 ca. Trong khi đó nửa năm 2010, cả thành phố chỉ có duy nhất 1 ca tử vong.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1: “Bệnh TCM do một nhóm virus thuộc nhóm virus đường tiêu hóa gây ra. Tác nhân thường gặp nhất là coxsackievirus A16, đôi khi do enterovirus 71. Bệnh do coxsackievirus A16 thường là một bệnh nhẹ và tự lành sau 7 đến 10 ngày. Bệnh do enterovirus 71 có thể gây ra các biến chứng viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp và trầm trọng hơn là viêm não, thậm chí là tử vong”.
Lâu nay, các trường hợp tử vong do TCM đều nằm ở trẻ em có độ tuổi dưới 5, tuy nhiên ca tử vong gần đây nhất lại ở độ tuổi 13. Đó là trường hợp của bé trai tên T.H.H, trú tại Q.4, nhập viện vào ngày 2-6, trong tình trạng lơ mơ, môi tái, đau đầu, sốt, nổi bóng nước. Bệnh nhi nhập viện quá trễ dẫn đến không đo được huyết áp, không bắt được mạch. Các bác sĩ đã cấp cứu tích cực nhưng tình trạng bệnh tiến triển quá nhanh và tử vong sau đó một ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé H. đã mắc entervirus 71 – loại virus gây độc thể cao. Ngành y tế TP.HCM khẳng định, đây là trường hợp trẻ lớn tuổi đầu tiên tử vong vì bệnh này. Và điều này cũng gây không ít quan ngại cho ngành y tế cũng như lo lắng cho người dân.
“Nóng” cùng dịch bệnh TCM là dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trong tháng 5, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố là 518 ca, tăng 81,1% so với cùng kỳ của năm 2010. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 3.827 ca mắc, tăng 91,6% so với năm 2010. Trong đó có một trường hợp tử vong. Điều đáng nói là số ca mắc SXH đang lan rộng tại tất cả các quận, huyện. Tập trung nhiều ở các quận, huyện là Q.7, 8, Tân Bình, Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân với số ca mắc trên 200 ca/ địa phương.
Như vậy là chỉ trong vòng 5 tháng, toàn thành phố đã có gần 7.000 trường hợp mắc bệnh TCM và SXH phải nhập viện, trong đó có 14 ca tử vong.
Dịch bệnh sẽ không dừng lại…
Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng TP, số ca SXH trong những tháng tới sẽ tăng vọt vì đang trong mùa mưa. Và thực tế từ những năm trước cũng đã chứng minh, cao điểm của SXH bắt đầu từ tháng 6, tháng 7… “Nếu không có phương án xử lý triệt để về phun thuốc diệt muỗi thì chắc chắn số ca SXH sẽ bùng phát mạnh”, bác sĩ Nga khẳng định.
Đối với dịch bệnh TCM, trước đó Sở Y tế TP đã phát động Tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh TCM (từ 1 đến 31-5). Theo đó, sở đã chỉ đạo các quận, huyện phun thuốc khử trùng và làm vệ sinh tại những khu vực có nguy cơ cao như trường học, gia đình có trẻ dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền tại cộng đồng. Song, số ca mắc và tử vong không những không giảm mà trái lại tăng rất nhanh. Chính lãnh đạo của Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng thừa nhận dịch bệnh TCM đang diễn biến quá phức tạp và bất thường.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo bác sĩ Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP thì: “Cán bộ y tế dự phòng quận, huyện có tư tưởng bao cấp hóa chất khử khuẩn từ phía Nhà nước. Song song đó, Trung tâm Y tế dự phòng đã không làm đúng chỉ đạo và tuyên truyền phương pháp chống dịch. Ngoài ra, việc khoanh vùng chống dịch không tốt đã dẫn đến dịch lây lan rộng trong cộng đồng”.
Bác sĩ Giang cũng cho biết, trong quá trình đi kiểm tra công tác chống dịch tại một số quận, huyện cho thấy nhiều hộ dân (có trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống) ở các khu nhà trọ không được cấp thuốc cloramin B. Nhiều người dân khi được hỏi về cách làm vệ sinh nhà cửa đã nói sai… Lỗi này, phần lớn là do cán bộ y tế của địa phương chưa tích cực trong công tác phòng dịch. Ngoài ra, để dịch bệnh ngày càng gia tăng, không phải là không có trách nhiệm của người dân.
Để hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh TCM, bác sĩ Giang chỉ đạo ngành y tế các quận, huyện tiếp tục Tháng cao điểm phòng chống dịch, thời gian từ nay đến hết tháng 6. Tháng cao điểm này, vừa để phòng chống dịch bệnh TCM vừa để ngăn chặn dịch SXH…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bác sĩ Khanh cho biết: “Trong các cuộc họp với trung tâm y tế dự phòng, được biết nhiều hộ dân không tham gia vệ sinh sàn nhà, đồ chơi của trẻ vì nghĩ rằng con em mình ở xa nhà trẻ bị bệnh hoặc trẻ mắc bệnh nhưng không nặng, không tử vong nên không sao. Điều này thật nguy hiểm, bởi trên thực tế đã xảy ra ở một con hẻm (gồm 20 hộ dân) có 1 trẻ bệnh, sau đó thêm 4 trẻ khác bệnh nặng và 1 trẻ tử vong”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)