Sự kiện giáo dụcTin tức

Tiêu chí di dời trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Tạp Chí Giáo Dục

Báo cáo về Quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Xây dựng kiến nghị ba tiêu chí để làm căn cứ di dời các trường ra khỏi nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là những trường có vị trí nằm trong khu vực nội thành thành phố.
Tiêu chí thứ hai là những trường không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất hơn 25m2/sinh viên (không kể diện tích công trình thể chất và ký túc xá); hơn 45m2/sinh viên (bao gồm công trình thể chất và ký túc xá). Trường hợp đáp ứng được chỉ tiêu sử dụng đất/sinh viên nhưng quy mô diện tích đất khuôn viên hiện có không hơn hơn 2ha.
Tiêu chí thứ ba là hạ tầng trong trường (điều kiện cơ sở vật chất) không bảo đảm diện tích các công trình về thể chất (sân thể thao, thư viện, cây xanh…) theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hạ tầng ngoài trường (xã hội và kỹ thuật) không bảo đảm, hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tâng đô thị.
Về cơ chế chính sách cho các trường phải di dời, Bộ Xây dựng kiến nghị cho các trường sử dụng cơ sở cũ trong nội thành theo các nguyên tắc: phù hợp với định hướng phát triển không gian của đô thi; ưu tiên sử dụng cho đào tạo nâng cao, nghiên cứu, ứng dụng; tái cơ cấu sử dụng đất 30- 50% diện tích đất dành cho cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, diện tích đất còn lại cho công trình thương mại, dịch vụ (không bố trí công trình nhà ở). Mật độ xây dựng và chiều cao công trình trong khu đất còn lại tuân thủ theo quy hoạch phân khu của thành phố.
Trường tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở mới qua đấu giá diện tích đất cơ sở cũ (phần cho công trình thương mại, dịch vụ); nhà nước hỗ trợ vay vốn trái phiếu chính phủ, vay vốn ưu đãi; thành phố cho vay vốn kích cầu; thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT và PPP. Tại khu vực quy hoạch mới, cần có quỹ đất phát triển khu đô thị, công trình thương mại, dịch vụ để tạo nguồn vốn xây dựng. Quỹ đất này có thể gắn với địa điểm xây dựng các trường đại học hoặc khu vực lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên có thể dùng để ở, phục vụ công tác giảng dạy.
Theo Ngọc Trác
(NDĐT)
 

Bình luận (0)