Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn khẩn gửi các sở trực thuộc để hướng dẫn bổ sung chấm thi môn ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011.
Câu 1, đề thi môn ngữ văn như sau: "Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?"
Thí sinh dự thi môn ngữ văn tại trường Trung học phổ thông Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+) |
Trước đó, theo hướng dẫn chấm thi ngày 4/6/2011 của Bộ có nêu đáp án và thang điểm cho ý 2, Câu 1 môn ngữ văn như sau: "Cho 1 điểm đối với ý thứ hai – Những hình ảnh đó nói lên: Chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (0,5 điểm); Hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5 điểm)".
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các hội đồng chấm điều chỉnh cho điểm đối với ý thứ hai Câu 1 như sau: a) Nếu thí sinh không trả lời trực tiếp, cụ thể như trong đáp án mà nêu được ý tưởng nghệ thuật của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ sĩ với hiện thực, nghệ thuật với cuộc sống: có thể cho từ 0,5 điểm trở lên, với điều kiện tổng số điểm cho ý này không quá 1,0 điểm; b) Nếu thí sinh phân tích kĩ và sâu sắc ý đã nêu: có thể cho tới tối đa 1,0 điểm.
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, điều chỉnh này dựa trên đề nghị bổ sung của Tổ ra đề thi môn ngữ văn của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011. Việc điều chỉnh nhằm phù hợp với tinh thần đề mở và đáp án mở, đảm bảo đúng nguyên tắc chấm thi, đồng thời khuyến khích những sáng tạo của thí sinh trong khi bài thi.
Theo cô Vũ Thị Bình, giáo viên dạy môn ngữ văn, trường Trung học phổ thông Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, với cách điều chỉnh này, Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và cho cả người chấm, đồng thời vẫn giữ được đúng nội dung đáp án. "Phương án chấm ban đầu hơi cứng nhắc, chặt chẽ về mặt ngôn từ trong khi để chuyển tải cùng một nội dung đó, học sinh có rất nhiều cách sử dụng từ ngữ linh hoạt. Vì thế, sự thay đổi này là phù hợp với một đề văn mang tính mở, tính sáng tạo trong cách cảm nhận cá nhân của học sinh mà không hề bị sai về ý so với đáp án," cô Bình nói.
Theo cô Vũ Thị Bình, giáo viên dạy môn ngữ văn, trường Trung học phổ thông Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, với cách điều chỉnh này, Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh và cho cả người chấm, đồng thời vẫn giữ được đúng nội dung đáp án. "Phương án chấm ban đầu hơi cứng nhắc, chặt chẽ về mặt ngôn từ trong khi để chuyển tải cùng một nội dung đó, học sinh có rất nhiều cách sử dụng từ ngữ linh hoạt. Vì thế, sự thay đổi này là phù hợp với một đề văn mang tính mở, tính sáng tạo trong cách cảm nhận cá nhân của học sinh mà không hề bị sai về ý so với đáp án," cô Bình nói.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các cơ sở tăng cường chỉ đạo chấm thi. Đối với môn trắc nghiệm, đảm bảo đúng thành phần tổ xử lý bài thi trắc nghiệm trong Hội đồng chấm thi: Tổ trưởng là lãnh đạo Hội đồng chấm thi; các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên; Bộ phận giám sát gồm thanh tra và công an (PA83). Bộ phận giám sát có trách nhiệm giám sát liên tục toàn bộ quá trình xử lý bài thi và chấm thi trắc nghiệm.
Về chấm bài thi tự luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy trình chấm, quán triệt giám khảo không được sửa chữa điểm trên phiếu chấm cá nhân và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm. Các thành viên hội đồng chấm thi tuyệt đối không được tiết lộ các thông tin liên quan đến công việc chấm thi cũng như nội dung bài làm của thí sinh và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về việc bảo mật các thông tin đó./.
Theo (Vietnam+)
Bình luận (0)