Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mẹ, con gái và đêm Noel

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 24, con dậy soạn sửa từ sớm để ra  khỏi nhà. Đưa cho con chiếc khăn, mẹ nói:

– “Trời lạnh, con quàng cho ấm. Mà con phải về trước 12 giờ đấy”.

Mẹ chỉ có nói có thể, con nổi cáu với lời thách thức:

– 12 giờ thì đã có gì.

Hình như không chịu nổi cách ăn nói bất cần của con, mẹ đã khó chịu nhưng vẫn cố hết sức để giữ bình tĩnh:

–  Thế con định chờ cái gì? Nhà thờ thì con cũng chẳng thể chen vào nổi mà đó cũng đâu có phải nơi con gái mẹ thích đến. Sau này con ra trường đi làm, con đi thế nào là việc của con. .

– Mẹ ám chỉ điều gì đấy! Ý mẹ con sẽ thế này là thế nào? Con lớn rồi, thưa mẹ! Đêm nay có thể con sẽ không về nhà. – Con trả lời mẹ rồi bước đi thẳng, để lại mẹ với nỗi lo lắng và cả uất ức.

Đúng là con đã lớn, con là sinh viên năm thứ nhất. Từ ngày đỗ đại học, con cho mình  cái quyền không phải nghe lời mẹ. Con có thể đi sớm, về muộn với lời giải thích ngắn gọn: “Con có việc”.  Đúng là con đã lớn nhưng với mẹ, và cả với những cám dỗ trong cuộc sống thì con vẫn còn rất trẻ con. Nhưng nếu mẹ nói ra điều này, con sẽ nổi giận.

Con từng trách mẹ, sao mẹ không thể trò chuyện với con như một người bạn. Nhưng đêm nay, mẹ đã nói với con thật nhẹ nhàng nhưng đổi lại con có xem lời mẹ nói như một người bạn đâu.

Đây là đêm Noel mẹ lo lắng nhất. Con đang có bạn trai, cậu bạn vừa đi lại với nhau được vài tháng và cả hai đứa đều chưa công khai mối quan hệ. Con gái mẹ nhẹ dạ, cả tin và lại rất lãng mạn nên mẹ không thể biết điều gì sẽ xảy ra với con.

Buổi chiều, mẹ nhờ bố gọi điện cho con. Bố nói, tối nay nhà mình sẽ có tiệc đón Giáng sinh, con có thể rủ cậu bạn của con đến. Nhưng con từ chối ngay:

– Chúng con đi chơi cùng cả nhóm bạn, con không về ăn cùng bố mẹ được đâu. Rồi con dập máy.

Cả đêm mẹ không ngủ. Cả chục lần cầm điện thoại lên gọi cho con rồi mẹ lại gác xuống. Gọi lúc này mẹ biết con sẽ nổi cáu. Mẹ biết, giờ này ngoài đường vẫn còn rất tấp nập. Mẹ hy vọng rằng con cũng đang hoà mình trong dòng người đấy cùng bạn bè và đến 2 – 3 giờ sáng con về cũng được. Mẹ sẽ chờ, miễn là con về.

Con không nói dối mẹ. Con không đi riêng với cậu bạn trai mà đi cùng với cả nhóm bạn. Chúng con đi lượn lờ phố phường xem không khí Giáng sinh và đi ăn uống. Con vẫn ấm ức vì việc mẹ nghĩ đen tối về mình. “Đi quá 12 giờ thì đã làm sao. Đi đến lúc nào thấy mệt thì sẽ về nhà. Có chuyện gì mà mẹ phải lo”. – Con tự nói với mình.

Đến tận hai giờ sáng, nhóm bạn con tiếp tục “cuộc chiến mới”. Cả nhóm mua đồ ăn uống rồi kéo nhau vào nhà nghỉ. Con không chút lưỡng lự, vào đông chứ có phải vào mình đâu mà phải ngại. Chẳng ai đang vui thế này lại đòi về.

Vào nhà nghỉ con lại tiếp tục uống cho đến say. Và con ngủ lúc nào không hay. Mở mắt ra, con chẳng thấy bạn bè mình đâu mà chỉ có cậu bạn trai hẹn hò chưa lâu nằm  bên cạnh. Cả con và cậu bạn đều trần truồng nằm ôm nhau ngủ ngon lành. Con bật dậy, khóc không thành lời.

Con trở về nhà trong sự bất thần như người không hồn nhưng vẫn cố giữ vẻ mặt thật tỉnh táo. Lúc đó, con chỉ muốn sà vào lòng mẹ để khóc cho thoả thê nhưng con không đủ dũng cảm. Không phải vì con sợ mẹ mẹ sẽ chửi bới, đánh đập – con chưa nghĩ đến điều đó – mà tại vì con thấy ngại ngần vì mình đã không nghe lời mẹ.

Mẹ đứng ở cửa, nhìn con không nói gì. Con nhìn thấy trên mặt mẹ sự căng thẳng và mệt mỏi. Con cố gắng cười, nụ cười đầy gượng gạo để đi thẳng vào nhà và giật mình bởi tiếng mẹ: “Điện thoại con hết pin à?”.

Lúc này con mới nhớ, đúng 12 giờ đêm qua con đã tắt điện thoại vì sợ mẹ gọi. Con đi lên phòng, khởi động máy điện thoại. Có đến hàng chục cuộc gọi nhỡ từ số điện thoại gia đình, cuộc gọi đầu tiên tận 2 giờ sáng. Cả đêm qua mẹ không ngủ.

Con vùi đầu vào chăn, nước mắt cứ thế chực trào.

H.N (dantri)

Bình luận (0)