CSGT phạt thật nặng các trường hợp chở cồng kềnh |
Sau một tháng thực hiện nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TP.HCM đã có nhiều chuyển biến rõ nét.
Tăng mức xử phạt đến 2-3 lần
Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM, từ ngày 10-11 đến ngày 5-12-2012, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý trên 8.580 trường hợp vi phạm. So với tháng trước khi áp dụng nghị định 71 thì giảm khoảng 600 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ; điều khiển xe khi trong người có rượu, bia; không giấy phép lái xe. Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM: “Trước khi nghị định 71 có hiệu lực, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc tăng mức xử phạt so với nghị định 34 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cũng đã vào cuộc tuyên truyền về việc thực hiện nghị định này đến các cán bộ, công chức, hội viên. Trong tuyên truyền, chúng tôi nhấn mạnh đến những trường hợp tăng mức phạt gấp 2-3 lần so với mức phạt cũ. Ngoài ra, khi nghị định 71 có hiệu lực, trong quá trình tuần tra, kiểm soát hay xử phạt thì lực lượng làm nhiệm vụ cũng đã nhắc nhở, phổ biến nghị định này đến những người vi phạm… Trên cơ sở đó, người dân đã thận trọng hơn khi tham gia giao thông. Bà con rất hoan nghênh việc ban hành và áp dụng nghị định 71, vì đây sẽ là một trong những công cụ nhằm kéo giảm tình hình vi phạm trật tự ATGT, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT)”.
Riêng mức xử phạt vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện, theo Thượng tá Trần Thanh Trà như vậy là hợp lý. Bởi hiện nay, đa số người dân chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, việc mua bán không sang tên đổi chủ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng trực tiếp xử lý vi phạm giao thông. Thời gian qua, có những vụ TNGT xảy ra và người điều khiển phương tiện bị tử vong nhưng do xe không chính chủ nên lực lượng CSGT phải mất rất nhiều thời gian mới xác định được tung tích nạn nhân. “Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ tạo ý thức hơn cho người dân trong việc chủ động quản lý tài sản của mình. Tuy nhiên, về vấn đề này, thời gian qua chúng tôi chỉ nhắc nhở người dân chứ chưa xử phạt; đối với những trường hợp vi phạm lỗi nặng, gây TNGT…, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ giấy tờ, phương tiện, tiến hành kiểm tra, truy nguồn gốc xe và xử phạt nghiêm”.
Người tham gia giao thông ý thức hơn
Hình thức tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại nghị định 71 cao hơn gấp nhiều lần so với nghị định 34, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tham gia giao thông. Mấy ngày qua, đi tới đâu cũng nghe người dân bàn tán về mức xử phạt và động viên nhau phải cẩn thận khi tham gia giao thông, nhất là “nên gửi lại xe tại quán nhậu (nếu quá say)”. Thiếu úy Trần Văn Lập, Đội CSGT quận Bình Tân, cho biết, nhiều người lúc trước coi việc xử phạt vi phạm giao thông là “chuyện nhỏ”, có người còn thách thức lực lượng làm nhiệm vụ khi bị phát hiện vi phạm tốc độ, có sử dụng bia, rượu… “cứ ghi biên bản đi, đóng phạt là xong chớ gì”… Bây giờ, mỗi khi có tín hiệu đề nghị dừng xe của lực lượng kiểm tra, nhiều người biến sắc thấy rõ, dẫu rằng, việc dừng xe chỉ để kiểm tra 3 loại giấy bắt buộc khi người tham gia giao thông phải mang theo là: Bảo hiểm xe, bằng lái và giấy đăng ký xe. Từ nghị định 146/2007 rồi đến nghị định 34/2010 thì sửa đổi xử phạt chủ phương tiện và có lẽ mức xử phạt thấp nên người dân ít quan tâm. Khi nghị định 71/2012 nâng mức xử phạt và lực lượng CSGT kiểm tra gắt gao trường hợp này, đã gây phản ứng trong dư luận mấy ngày qua. Thật ra, thời gian qua lực lượng CSGT TP.HCM cũng đã xử phạt không ít trường hợp này, bây giờ cũng thế. Tuy nhiên, tùy theo trường hợp, hoàn cảnh, đối tượng mà lực lượng làm nhiệm vụ cân nhắc xử phạt, hay giáo dục nhắc nhở. “Do việc áp dụng xử phạt “đúng người, đúng tội” nên mấy ngày qua chưa có phản ứng nào của người vi phạm trường hợp này tại TP.HCM. Ngược lại, số lượng người đến các đội CSGT trên địa bàn TP.HCM đăng ký xin chuyển quyền sở hữu hoặc chuyển vùng theo quy định ngày càng đông, bình quân có trên 200 trường hợp/ngày”, Thượng tá Trần Thanh Trà cho biết.
Bài, ảnh: Hà Anh
Bình luận (0)