Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: I.T |
Thỉnh thoảng, tôi hay đọc được những bài báo viết về mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu, điều đặc biệt đó là mối quan hệ “trời không chịu đất mà đất cũng không chịu trời”… Phải chăng, đây là một cuốn phim buồn nhiều tập, không bao giờ có đoạn kết…?
Chị dâu tôi
Ba tôi mất sớm, gánh nặng gia đình với tất cả bảy người con đè nặng trên đôi vai của má. Có thể nói, lúc ba qua đời, nhà tôi đã quay lại điểm xuất phát như một con số “không” tròn trĩnh. Má tôi một thân quán xuyến để nuôi dạy bảy anh em tôi ăn học nên người… Ngày anh hai tốt nghiệp ra trường cũng là ngày má tôi nhẹ vơi bao nỗi nhọc nhằn, cực khổ. Rồi như một truyền thống, gia đình tôi cứ người lớn nuôi người bé, người bé tiếp tục nuôi người nhỏ hơn để ăn học thành tài. Năm tôi vào cấp 3, anh hai mới “rảnh rang” nghĩ đến việc lập gia đình, khi tuổi đã ngoài 30.
Chị dâu tôi không đẹp, nhưng tính lại ngoan hiền, mặc dù trong gia đình mình, chị là người con gái duy nhất và được nuông chiều từ nhỏ; khi bước chân vào nhà tôi chị chỉ biết nấu độc một món “luộc trứng”.
Những ngày đầu làm dâu khó nhọc, chị luôn nín nhịn mỗi lần anh em tôi “trở quẻ” khi tự dưng có thêm một người nữa sống chung nhà mình. Trở thành chị cả trong gia đình, chị dâu tôi chu toàn và bắt đầu thay má quán xuyến mọi công việc. Chỉ cái tội duy nhất là chị không biết nấu ăn. Bù lại, mỗi lần má tôi xách giỏ đi chợ, chị bẽn lẽn xin đi theo để má chỉ cho mua từng mớ rau, thớ thịt. Đi chợ về, chị loay hoay phụ má nấu ăn, dù chỉ là công việc lặt rau, vo gạo hay lấy giùm má hũ muối, hộp tiêu… Mỗi bữa ăn, chị đều tranh phần ngồi phía trước để cả nhà thay phiên nhờ chị múc thêm cơm, có khi bữa ăn đã xong mà chị vẫn chưa ăn hết bát cơm của mình. Dần dần, chị dâu tôi thay má hoàn toàn công việc bếp núc để má tôi được thảnh thơi xem những chương trình yêu thích trên truyền hình.
Gia đình tôi là nông dân chính hiệu, khi vào mùa, cả nhà bận tối tăm mặt mũi. Nhớ năm ấy chị dâu đang thai nghén và gần đến ngày trở dạ nên được đặc cách ở nhà… đuổi gà mấy sân lúa đang phơi. Còn lại cả nhà ai cũng phải ra đồng gặt lúa. Mấy hôm liền, chị dâu tôi cứ canh me lúc trời gần trưa, lén mang cơm ra đồng vì nghĩ rằng mọi người đều đói và mệt, nếu đi thêm một đoạn đường xa từ đồng về nhà chỉ để ăn cơm chắc sẽ mệt hơn. Thương chị, xót “thằng cháu” chưa sinh, má tôi mắng chị sao ngang bướng không chịu nghe lời, chị cứ cười tỏn tẻn: “Con ở nhà buồn nên ra với cả nhà cho vui”. Hôm ấy, trời chuyển mưa mà lúa trên sân vẫn chưa được hốt vào, chị vội vã đi tìm cây chổi quét lúa, phụ cả nhà một tay, không may bị trượt chân té ngã, anh hai tôi thất kinh liền chở chị ra trạm xá. Trong cơn đau bụng của chị, cháu tôi chào đời… Má tôi vừa mừng vừa thương chị, nước mắt hòa lẫn nước mưa rơi…
Quê nghèo khó, từ ngày có cái siêu thị mọc lên, người dân đa số vào đấy để được chiêm ngưỡng, dạo chơi và tránh nóng hơn là đi mua sắm. Chị dâu tôi cũng thường chở má vào siêu thị mua vài thứ đồ lặt vặt như chiếc khăn, bịch xà phòng… Nhiều lần đi, chị thấy má cứ đứng xem mãi một món hàng mà không đủ tiền mua, chị tôi cứ đem lòng day dứt. Cuối tháng ấy nhận lương, chị lại đưa má tôi vào siêu thị, hai mẹ con mua luôn cả bộ nồi inox mang về nhà, là món hàng má tôi yêu thích.
Từ ngày anh chị tôi ra riêng, má tôi thấy trống trải, nhớ con dâu mặc dù hai nhà chỉ cách xa nhau vài chục mét. Chị tôi thơm thảo, mỗi bữa ăn không quên mang biếu má dù là tô canh, đĩa thịt… Ngày nhận lương chị cứ dặn đi dặn lại má một câu: “Má đừng ăn cơm sớm nhé! Đợi con về”…
Má tôi thương chị từ những ngày chị mới bước chân về nhà chồng, chưa bao giờ có ý nghĩ đó là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, không chỉ riêng chị mà cả những chị dâu khác của tôi cũng vậy. Má quan niệm, ai đã bước chân vào nhà này thì là con của má hết, không phân biệt, có như vậy, gia đình ta mới êm ấm, thuận hòa.
Thay lời kết
Có thể “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cuộc sống vốn dĩ không thiếu những mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa mẹ chồng và nàng dâu, nhưng điều quan trọng là mình nên biến những xung đột ấy trở thành sự dung hòa, đằm thắm trong gia đình. Mỗi người nên bớt đi một phần cái “tôi” ích kỷ của mình. Là những người phụ nữ thông minh, hiện đại, có điều kiện học hỏi; với ưu thế ấy tôi tin chắc bạn sẽ biết cách “vận dụng” để mối quan hệ này ngày càng tốt đẹp hơn.
Ngân Du
Bình luận (0)