Bé đang học bài. Ảnh: I.T |
Sau 2 tuần học hè ở trường tiểu học, bé Tùng – 6 tuổi đã bị cô giáo đánh giá là một “học sinh lì, lười, cứng đầu, hiếu động, kém tập trung”. Điều này hoàn toàn khớp với nhận xét của các cô giáo ở trường mầm non trước đó. Do vậy vợ chồng chị Tiên cảm thấy rất lo lắng. Khi đưa bé đi khám tâm lý thì được các bác sĩ cho biết: Bé có khiếm khuyết học tập và cần phải được giáo dục bằng một chương trình đặc biệt.
Trẻ nào có khiếm khuyết học tập?
Theo các bác sĩ tâm lý thì dấu hiệu của trẻ có khiếm khuyết học tập thường được báo trước ở tuổi tiền học đường (từ 3 – 5 tuổi). Vì vậy, khi trẻ bước vào lứa tuổi này, phụ huynh nên thường xuyên theo dõi các dấu hiệu không bình thường của trẻ. Chẳng hạn như trẻ khó tuân theo các mệnh lệnh của người lớn, không phải bởi trẻ cứng đầu mà do chúng không thể hiểu được. Thêm một dấu hiệu nữa là kỹ năng vận động tinh của các ngón tay phát triển chậm. Đặc biệt là khả năng phát ngữ của trẻ khá chậm như nói chậm, khó tìm được từ đúng để diễn tả điều trẻ muốn nói, phát âm không rõ. Kỹ năng xã hội của trẻ cũng kém, được thể hiện bằng cách không nhìn vào mắt người khác, khó kết bạn. Ngoài ra, trẻ khó học các hình dạng, màu sắc, ngày trong tuần, số, chữ cái và không ngồi yên một chỗ, kém tập trung.
Nếu cha mẹ thấy trẻ có vài dấu hiệu trên thì nên đưa con đi khám tâm lý để được các chuyên viên tâm lý và giáo viên đặc biệt giúp biết can thiệp sớm đúng cách để trẻ được luyện về những kỹ năng tiền học đường. Tuyệt đối không thúc ép trẻ tập đọc, tập viết, làm toán quá sớm và quá sức, hậu quả sẽ là những rối loạn tâm lý khi trẻ bước vào trường tiểu học hay trung học. Bởi biện pháp bạo lực chẳng những không giúp trẻ phát triển mà còn gây tai hại cho trẻ trong việc hình thành nhân cách sau này.
Chương trình giáo dục đặc biệt
Để khắc phục những khiếm khuyết về học tập của bé Tùng, các bác sĩ đã “chuyển giao” cho chị Tiên một chương trình giáo dục đặc biệt. Theo đó, bé Tùng cần được người lớn giúp đỡ phát triển về các lĩnh vực như giao tiếp, vận động, giải quyết vấn đề…
Về vấn đề giao tiếp, chị Tiên yêu cầu con thực hiện 3 việc không liên quan với nhau. Chẳng hạn chị nói với con trai là: Con hãy vỗ tay, đi đến cửa và ngồi xuống. Sau đó đưa ra những câu đố liên quan đến việc so sánh nặng nhẹ, ngắn dài. Cuối cùng người mẹ hỏi con: Con sẽ làm gì khi con đói bụng hoặc khi con mệt? Nếu bé Tùng làm được 3 yêu cầu trên thì vấn đề giao tiếp của bé đã được giải quyết.
Về vận động thô: Trẻ có thể đứng được 1 chân trong 5 giây hoặc đi trên đầu ngón chân trong 4 – 5m. Và cũng có thể nhảy lò cò trong quãng đường từ 1,2 – 1,8m mà không đặt chân kia xuống đất.
Vận động tinh: Trẻ có thể vẽ hình một người trên tờ giấy trắng với đầy đủ đầu, thân mình và tay chân. Trẻ có thể vẽ hình chữ thập, hình vuông, hình tam giác theo mẫu.
Giải quyết vấn đề: Trẻ phân biệt được tối thiểu 5 màu sắc, biết dùng từ đối nghịch như đá cứng, gối mềm.
Cha mẹ không nên áp đặt việc học chữ quá sớm, vì mỗi trẻ phát triển theo nhịp độ riêng. Nếu trẻ quan tâm và cảm thấy vui thích đọc sách và đặt nhiều câu hỏi để khám phá môi trường xung quanh thì đó là dấu hiệu trẻ được chuẩn bị tốt để bắt đầu giai đoạn học đường. |
Cá nhân – xã hội: Trẻ biết tự phục vụ trong ăn uống, vệ sinh, biết mặc quần áo. Khi có ai hỏi, trẻ biết tự nói họ tên, tuổi, giới tính, thậm chí là địa chỉ và số điện thoại nhà. Đặc biệt, trẻ biết chơi và chia sẻ với bạn cùng trang lứa. Trên đây là một số gợi ý về những kỹ năng mà trẻ cần được học trước khi sẵn sàng bước vào lớp 1.
Với trẻ 5 tuổi, nếu thường xuyên được tiếp cận với sách, các bé có thể nhận biết một số chữ cái và đọc những chữ quen thuộc. Trẻ hiểu là phải đọc chữ in từ trái sang phải và từ trên xuống dưới. Trẻ bắt đầu tập viết những chữ cái và một số chữ thường được dùng và nghe. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên đưa con đến tiệm sách để làm quen với sách, thay vì chỉ quan tâm đến trò chơi điện tử.
Thanh Huyền
Bình luận (0)