Giáo viên bộ môn tiếng Anh THCS trong một tiết dạy. Ảnh: N.Trinh
|
Ngày nay sinh viên sư phạm không chỉ lo học cách dạy mà còn phải chuẩn bị tốt để dạy cách học. Muốn vậy sinh viên sư phạm cần phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng tự học thông qua bộ môn.
Đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản của hoạt động dạy học nói chung và của đổi mới phương pháp dạy học ở Việt Nam hiện nay. Điều này sẽ làm cho người học có thời gian và cơ hội để thu nhận, sàng lọc, chuyển hóa thông tin và phát triển các kỹ năng.
1. Theo quan điểm sư phạm tương tác, người học nếu có 3 tố chất quan trọng: Động cơ học tập, trách nhiệm học tập và chủ động trong quá trình học tập thì sẽ đạt hiệu quả cao trong quá trình tự học. Vì vậy để rèn luyện kỹ năng tự học, trước hết phải bồi dưỡng 3 tố chất trên.
Tự học phải là công việc tự giác do nhận thức đúng vai trò quyết định của nó đến sự tích lũy kiến thức cho bản thân, cho sự phát triển và tiến bộ của mình. Tự học đòi hỏi phải có ý chí, phải tranh thủ thời gian, khắc phục thói quen lười biếng và phải đảm bảo cho quá trình tự học được liên tục thì mới đạt được kết quả mong muốn. Không chỉ gợi mở, người dạy phải tạo ra niềm tin, lòng say mê và hứng thú cho người học. Làm như vậy để giúp người học biết suy nghĩ, phê phán, đánh giá và hành động đúng đắn; biết cách độc lập suốt đời, biết lập thân lập nghiệp và phát huy các năng lực cá nhân; biết chung sống, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; biết chấp nhận rủi ro và đương đầu với mạo hiểm; biết sáng tạo và thích ứng với những đổi mới của thực tiễn giáo dục. Chúng ta không nên xem nhà trường như một “ốc đảo” mà xem trường học chính là cuộc sống. Các vấn đề thực tế cuộc sống được phản ánh vào nhà trường dưới “một lăng kính” đủ để cho người học tiếp cận theo cách phù hợp với lứa tuổi của mình.
2. Trong phạm vi cụ thể, sự hợp tác còn tạo nên nhiều thành tựu quan trọng đối với mỗi cá nhân. Kỹ năng hợp tác cần được rèn luyện ngay trong mỗi bài học từng việc làm cụ thể. Để biết hợp tác, thỏa hiệp giải quyết vấn đề người học phải trang bị cho mình kiến thức về lĩnh vực giao tiếp, nắm được các “kỹ thuật” phản hồi, biết cách quan sát trao đổi với đồng nghiệp trong quá trình làm việc, đảm bảo hiệu quả công việc của mình, có thái độ hợp tác xây dựng thân thiện tôn trọng và cần có sự chia sẻ chân tình. Bên cạnh đó, người học cần trang bị cho mình kiến thức nền tảng về văn hóa, môi trường xã hội; nắm được nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động, các chính sách giáo dục; xác định được thực trạng “cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng” của giáo dục phổ thông để từ đó tổ chức các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả; có thái độ thân thiện, hợp tác, xây dựng đối với các cơ sở và tổ chức ngoài trường, có khả năng thích ứng, sáng tạo và linh hoạt trong khi tiến hành các hoạt động giáo dục. Lao động của giáo viên đòi hỏi phải linh hoạt, sáng tạo để đáp ứng đòi hỏi của xã hội và cá nhân người học. Ngoài trau dồi phẩm chất nghề nghiệp còn phải thực sự cầu thị không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực bản thân. Nếu ý thức chủ động trong học tập chưa cao, trình độ và khả năng sử dụng ngôn ngữ còn nhiều bất cập, thiếu phương pháp học tập và yếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu nhạy bén trong tiếp cận, ứng dụng CNTT thì người học sẽ hạn chế trong việc giải quyết vấn đề.
3. Giảng viên ngày nay cần như một chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn, một người điều phối, thiết kế chương trình đào tạo và nội dung môn học; người tư vấn cho sinh viên cũng như kiểm tra đánh giá hiệu quả giảng dạy. Với vai trò nhà thiết kế, giảng viên không chỉ có kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực chuyên môn mà còn hiểu biết tường tận những quy luật nhận thức diễn ra trong quá trình học tập. Từ đó biết cách giúp đỡ sinh viên từng bước nắm vững môn học, biết cách giúp sinh viên vượt qua những khó khăn tất yếu của môn học. Đồng thời giảng viên phải dựa vào những đặc điểm của sinh viên để đưa ra những tài liệu, bài giảng khơi dậy được tính ham học hỏi, giúp sinh viên phát huy dần khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình.
Trong vai trò tư vấn và “đồng hành”, giảng viên phải nỗ lực để xác định một tầm nhìn và phải tạo lập nên những nhóm sinh viên có tinh thần đồng đội; phải tìm cách cổ vũ người học, đưa ra được những lời khuyên kịp thời, có tính cách xây dựng để sinh viên hành động hướng tới đạt được tầm nhìn đó.
Là nhà quản lý quá trình học tập và đánh giá giáo dục, giảng viên phải biết cách thiết kế bài kiểm tra phù hợp với yêu cầu, mục đích và kết quả học tập của sinh viên bên cạnh yêu cầu đánh giá sinh viên và đồng nghiệp một cách công bằng, chính xác. Có như vậy chúng ta mới làm tròn sứ mệnh giáo dục của mình.
PGS.TS Nguyễn Văn Đệ (Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp)
Người giáo viên phổ thông phải có các kỹ năng như: Kỹ năng làm việc với sách giáo khoa, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục, kỹ năng giao tiếp, hội nhập, kỹ năng gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn địa phương, kỹ năng định hướng, kế hoạch hóa, kiểm tra, tự kiểm tra, đánh giá, tự đánh giá… |
Bình luận (0)