Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài dự thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI: Hiệu trưởng phải biết “dụng nhân như dụng mộc”

Tạp Chí Giáo Dục

Hiệu trưởng giỏi phải biết phát huy sức mạnh của tập thể giáo viên để tạo ra những sân chơi thú vị, bổ ích cho học sinh. Ảnh: N.Anh
Trong nhà trường, hiệu trưởng là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các hoạt động giáo dục, là người chịu trách nhiệm chính với cấp trên, với ngành giáo dục và với địa phương. Vì thế, vai trò của hiệu trưởng là rất cần thiết và quan trọng, nó có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng giáo dục và sự phát triển của từng đơn vị.
1. Qua nội dung của đề bài, bản thân tôi đánh giá cao sự nhiệt tình và thái độ làm việc tích cực của ông hiệu trưởng A, đặc biệt là tinh thần học hỏi, nắm bắt các phương pháp dạy học những môn học không cùng chuyên môn ngoại ngữ của ông. Ông A “dự giờ thường xuyên ở mọi bộ môn và luôn góp ý chỉ đạo xem ra rất bài bản” – điều này chứng tỏ nỗ lực học hỏi và nghiên cứu rất lớn của ông, đồng thời cũng giúp anh chị em giáo viên nhận thức cao hơn về trách nhiệm của mình trong công tác giảng dạy. Khi nắm vững chuyên môn, nắm vững những gì mình lãnh đạo thì công tác quản lí sẽ đạt hiệu quả hơn nhưng sẽ thật hay nếu ông chỉ nên dừng lại ở việc nhận xét tác phong đứng lớp, khả năng tổ chức giờ học… vì chắc chắn bản thân ông vẫn còn hạn chế ở những môn học không thuộc chuyên môn của mình. Mặt khác, việc ông cho học sinh “xếp hàng chào cờ đầu tuần, chỉnh đốn đội ngũ, trực tiếp thiết kế, đạo diễn trong các phong trào văn nghệ, thể thao” thì sự nhiệt tình đã đi hơi quá đà và không có ích cho công tác lãnh đạo của ông cho lắm. Ông A làm như thế, tôi thấy dường như ông đang lãnh đạo chính bản thân ông cũng như thiếu niềm tin vào một tập thể giáo viên có nhiều tiềm năng còn chưa phát huy. Với cách ấy, vô tình ông đã làm thui chột sự sáng tạo, tinh thần, ý thức trách nhiệm của từng thầy cô giáo. Và hậu quả rất rõ ràng: “cứ có ông thì mọi việc đâu vào đó. Còn cứ khi nào vì lý do nào đó ông không có mặt thì mọi chuyện lại rối tung”. Giá như trong công tác chào cờ ông không cần làm thay thầy tổng phụ trách, trong công tác văn thể mỹ ông chỉ cần nêu những ý tưởng hoặc những ý kiến chỉ đạo của mình và giao việc cho từng bộ phận thực hiện. Ông chỉ việc kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, khuyến khích động viên… cấp dưới của mình thì hiệu quả quản lí của ông có lẽ sẽ cao hơn.
2. Ông hiệu trưởng B lại làm tôi suy nghĩ về một phong cách lãnh đạo khác hẳn, “quan liêu” thì chưa đến mức “quan liêu” vì ông vẫn “quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm từng bộ phận quản lý và báo cáo”, nhưng nói cách quản lý của ông là hợp lí thì cũng chưa được. Nếu xem cách quản lí của ông hiệu trưởng A là “làm thay, chiếm việc” thì cách quản lí của ông hiệu trưởng B là giao hẳn trách nhiệm cho cấp dưới. Ông B hoàn toàn không kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận mà mình phân công. Với cách quản lí này, dĩ nhiên ông B sẽ rất thoải mái trong công việc, chính sự thoải mái đó đã đẩy ông ngày càng xa rời tập thể sư phạm. Theo tôi, chỉ cần thêm một chút quan tâm, giúp đỡ, động viên, ghi nhận và khuyến khích về những điều làm được cũng như nhắc nhở, góp ý kiến về những hạn chế trong việc thực hiện công tác của từng giáo viên thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
3. Lãnh đạo, trong bất kì ngành nghề nào cũng phải có nghệ thuật. Hai phong cách lãnh đạo của hai vị hiệu trưởng A và B nêu trên đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Do đó, theo tôi để trở thành một người hiệu trưởng mẫu mực đáp ứng yêu cầu “Đổi mới công tác quản lí nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” thì cần có những tiêu chí sau: Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và trách nhiệm cá nhân. Có kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên của trường có đủ đức và tài thông qua việc tổ chức xây dựng kiện toàn cán bộ quản lí, tổ trưởng chuyên môn, các đoàn thể trong nhà trường. Mỗi người giáo viên ai cũng có những ưu điểm, và những nhược điểm riêng. Người xưa có câu “Dụng nhân như dụng mộc”, do dó người hiệu trưởng giỏi là người nhận thấy được những mặt mạnh của từng giáo viên mà mình quản lí để phát huy và sử dụng có hiệu quả cao những điều đó trong từng hoàn cảnh, từng nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời cũng nên thấy được những hạn chế của từng giáo viên đó để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ nhằm nâng dần chất lượng đội ngũ cũng chính là nâng dần chất lượng quản lí và hiệu quả giáo dục. Bên cạnh đó hiệu trưởng cũng cần phải khách quan, công bằng, giữ vai trò là người điều chỉnh một cách hợp lí, tạo không khí hòa đồng, thống nhất, đoàn kết, tích cực cống hiến trong tập thể giáo viên vì mục tiêu chung của đơn vị. Có năng lực và nghệ thuật quản lí: quản lí khoa học, hợp lí sẽ giúp mọi giáo viên cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong công việc. Điều này đòi hỏi người hiệu trưởng phải có tầm nhìn toàn diện, năng nổ nhiệt tình nhưng không bao biện làm thay cho cấp dưới. Ngược lại cũng không giao hết tất cả mọi việc cho cấp dưới thực hiện mà không kiểm tra, nhắc nhở, khuyến khích, động viên… Người hiệu trưởng giỏi sẽ biết làm gì và làm như thế nào để tất cả mọi giáo viên phát huy tiềm năng của bản thân phục vụ cho mục tiêu giáo dục đào tạo. Huy động được sức mạnh của toàn xã hội phục vụ cho công tác giáo dục. Nhà trường – gia đình – xã hội cùng phối hợp chặt chẽ thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn tốt hơn và hoàn chỉnh hơn.
Ngô Thành Nam
(GV Trường TH Quốc tế Việt Úc)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)